Bài 3: Vực dậy đời sống văn hóa tinh thần công nhân

Tuy vậy, từ chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn còn nhiều rào cản, vì một phần do cơ chế bất cập, nguồn lực hạn chế, phần khác do không ít nơi chỉ nói mà không làm, thế nên đời sống văn hóa công nhân đến nay nói chung vẫn nghèo nàn.

Tháo bỏ ngay những vướng mắc

Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định, bản chất của chế độ ta là không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều đó rất nhân văn. Tuy vậy, ở nhiều KCN hiện nay, đời sống tinh thần của CNLĐ đang lẽo đẽo đi sau sự phát triển sôi động, phong phú của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, đến năm 2020, bảo đảm 100% KCN, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao phục vụ CNLĐ, trong đó tối thiểu 30% KCN đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa-thể thao phục vụ CNLĐ.

Một góc khu "nhà trọ văn hóa" của công nhân ở phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: PV

Cả nước hiện có 284 KCN đang hoạt động, như vậy, theo chỉ tiêu đến năm 2020 phải có 94 KCN xây được trung tâm văn hóa-thể thao. Theo Cục Văn hóa cơ sở (cơ quan tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở), tính đến tháng 3-2021, cả nước mới có 4 trung tâm văn hóa-thể thao trong KCN tại 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Nam, Sóc Trăng, tức là chỉ đạt khoảng 4,2% so với chỉ tiêu đề ra.

Ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất” với mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng được 50 thiết chế của công đoàn (bao gồm: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao) phục vụ CNLĐ tại các KCN. Tuy nhiên, sau 4 năm, đến nay chỉ có 3 tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang triển khai dự án đầu tư xây dựng 3 thiết chế của công đoàn, còn lại 40 tỉnh, thành phố mới chấp thuận về chủ trương đầu tư, tức là chỉ đạt 6% so với mục tiêu đặt ra.

Lý do sâu xa của thực trạng nêu trên đã được ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, chỉ ra: Trong thời gian khá dài, nhiều địa phương chỉ quan tâm quy hoạch đất đai ưu tiên cho các phân xưởng, nhà máy, doanh nghiệp hoạt động mà không chú ý đến quy hoạch các thiết chế phục vụ công nhân như nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi công cộng, nơi sinh hoạt văn hóa... cho người lao động và con cái họ. Đấy là chưa kể một thực tế là trước khi xin phép đầu tư thì nhà đầu tư nào cũng đều cam kết với chính quyền là bảo đảm việc làm, tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, nhưng khi triển khai trong thực tiễn thì họ dần quên những lời hứa hẹn ban đầu.

Cũng nói về rào cản trong chính sách xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ ở các KCN, ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức (KCN Lễ Môn-Thanh Hóa) nêu băn khoăn: Số lượng CNLĐ ở KCN Lễ Môn bằng số dân của 2-3 xã đồng bằng đông dân cư. Hiện nay, ở mỗi xã đều có đủ thiết chế văn hóa, bao gồm trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trạm y tế, thư viện, nhà văn hóa, sân vận động... phục vụ người dân địa phương. Nhưng hơn 25.000 CNLĐ trong KCN Lễ Môn mỗi ngày đêm làm ra giá trị hàng tỷ đồng đóng góp cho ngân sách nhà nước, mà lại không có chỗ vui chơi, giải trí, không có nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cho con cái họ nương nhờ, học tập.

Đây cũng là trăn trở của bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Ninh: Ở hầu khắp các thôn, xóm hiện nay đã được chính quyền đầu tư xây dựng nhà văn hóa kiên cố, khang trang để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập của bà con nông dân. Nhưng ở các KCN hiện nay lại chưa được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cộng đồng phục vụ CNLĐ. Đây là một thiệt thòi đối với giai cấp tiên phong trong xã hội.

Trên thực tế, khi đã có chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ rồi thì quá trình biến nó thành hiện thực cũng rất gian nan, vất vả. Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn phục vụ CNLĐ tại các KCN của tỉnh đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư...Vì vậy, LĐLĐ tỉnh đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi những bất cập này nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn cho CNLĐ ở các KCN. “Ngày 8-3 vừa qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng thiết chế công đoàn cho CNLĐ ở huyện Trảng Bom. Đây là tín hiệu khả quan sau 4 năm chúng tôi kiên trì đề nghị”, ông Lập thông tin.

Để sớm tháo gỡ, phá bỏ những rào cản bất cập, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội, đề nghị: Nhà nước cần có chính sách quy định các địa phương khi xây dựng các KCN thì nhất thiết phải ưu tiên một phần đất đai, ngân sách hỗ trợ, xây dựng các thiết chế văn hóa công nhân và tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các KCN.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, doanh nghiệp

Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV đã tham gia nhiều cuộc giám sát chuyên đề về việc các địa phương quan tâm đời sống của CNLĐ. Theo ông, những năm qua, đời sống văn hóa của người lao động trong các KCN tuy được quan tâm hơn, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách xa những gì Đảng, Nhà nước ta mong muốn.

Giờ làm việc tại phân xưởng của công nhân Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức (KCN Lễ Môn-Thanh Hóa).

Khi phóng viên đề cập giải pháp căn cơ nào để góp phần cải thiện đời sống tinh thần của CNLĐ, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Có 3 vấn đề mấu chốt, đó là: Về cơ chế, chính sách, khi quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các KCN phải gắn liền với quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người lao động. Các địa phương phải bố trí quỹ đất và ngân sách để xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí công cộng cho CNLĐ trong các KCN. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm nghĩa vụ đóng góp một phần kinh phí để tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.

Ý kiến của TS Bùi Sỹ Lợi cũng là mong muốn chung của cán bộ công đoàn các cấp. Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, đối với những doanh nghiệp có từ 500 CNLĐ trở lên thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngân sách để xây dựng thiết chế văn hóa cho người lao động. “Vì bản thân doanh nghiệp luôn lấy lợi nhuận làm trọng, thì khó có thể san sẻ lợi ích văn hóa cho CNLĐ nếu như không có sự can thiệp của chính quyền nhà nước”, bà Hà nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức đề xuất: Đã đến lúc Nhà nước phải luật hóa việc doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp kinh phí để cùng chính quyền địa phương xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ, chứ chúng ta không nên kêu gọi lòng hảo tâm của doanh nghiệp. Vì lòng hảo tâm có thể hiểu là sự tùy tâm, tùy ý, tức là anh có lương tâm thật sự thì đóng góp, mà không có tâm thì chẳng đóng góp cũng có sao đâu.

Cùng với đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp, việc tăng cường gắn kết, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ cũng là giải pháp rất quan trọng. Điều này đã được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ ở KCN, khu chế xuất” và Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”.

Qua tìm hiểu ở các địa phương, chúng tôi thấy đại diện các cơ quan hữu quan đều thừa nhận đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ trong các KCN còn rất nhiều khó khăn, nhưng cơ chế phối hợp chỉ dừng lại ở việc ký kết, mà chưa có những hành động cụ thể, thiết thực để góp phần làm chuyển biến tình hình.

“Công tác ở ngành văn hóa thì chúng tôi rất muốn đời sống văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có CNLĐ ở các KCN ngày càng tốt hơn. Nhưng trong thực tế không hẳn cơ quan nào cũng nhận thức đầy đủ và đề cao trách nhiệm trong việc phối hợp quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ ở các KCN. Chúng tôi đã ban hành bộ tiêu chí về khu nhà trọ văn hóa công nhân trên địa bàn tỉnh, nhưng để bộ tiêu chí này phát huy hiệu quả thì một mình ngành văn hóa không thể làm được”.

(Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai)

Giải quyết quyền lợi chính đáng của công nhân ở các khu nhà trọ

Với mong muốn có thêm những thông tin về đời sống của CNLĐ ở các KCN trong cả nước, nhóm phóng viên đến gõ cửa Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, tính đến tháng 12-2020, cả nước có khoảng 3,3 triệu CNLĐ trong các KCN, trong đó có 2,03 triệu (chiếm hơn 61%) là người ngoại tỉnh. Trong số 2,03 triệu CNLĐ ngoại tỉnh, có tới 1,58 triệu người (chiếm gần 78%) người phải trả tiền thuê trọ hằng tháng. Điều khiến TS Vũ Minh Tiến trăn trở là hầu hết CNLĐ mới được quản lý chủ yếu ở “trong hàng rào”- tức quản lý giờ giấc làm việc và các hoạt động tại các phân xưởng, nhà máy, doanh nghiệp và một số hoạt động ngoại khóa do công đoàn tổ chức, chứ rất ít khi được quản lý “ngoài hàng rào”- tức là ở khu nhà trọ.

Nói rõ hơn về vấn đề này, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, trên thực tế, cư dân địa phương được coi như “con đẻ” nên được chính quyền sở tại chăm lo chu đáo hơn, còn CNLĐ ngoại tỉnh đến ở trọ thì được ví như “con nuôi” nên ít được để ý. Có chăng thi thoảng có công an viên đến kiểm tra tạm trú, nhắc nhở công nhân ở các khu nhà trọ cần giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự. “Trong khi nhiều xã, phường, thị trấn có hàng nghìn CNLĐ ngoại tỉnh về cư trú đã góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ phát triển, làm giàu cho địa phương, thì họ lại chưa được cán bộ chính quyền sở tại đối xử một cách công bằng. Tôi từng chứng kiến có CNLĐ ngoại tỉnh phải chạy ngược chạy xuôi rất vất vả làm thủ tục giấy tờ cho con được vào nhà trẻ, mẫu giáo, trường công lập trên địa bàn. Nói chung, do thiếu hộ khẩu nên nhiều CNLĐ ngoại tỉnh gặp khó khi tiếp cận các dịch vụ công nơi họ cư trú. Đây cũng là một thiệt thòi cho CNLĐ”, TS Vũ Minh Tiến cho hay.

Lớp dạy tiếng Nhật cho công nhân Công ty THHH Điện tử Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: MINH TRƯỞNG

Điều TS Vũ Minh Tiến băn khoăn cũng là nỗi lòng của nhiều CNLĐ. Anh Phạm Văn Sơn, quê ở xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) làm ở Công ty TNHH Sewon Vina (KCN VSIP Bắc Ninh). Cách đây hai năm, anh Sơn cùng một người bạn ra sân nhà văn hóa của thôn Đại Sơn, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) nơi anh đang thuê trọ để chơi bóng chuyền. Chỉ chơi được vài ba hôm, anh Sơn bị một người tự xưng là cán bộ của thôn đuổi khéo với lý do chơi bóng sẽ làm hỏng cửa kính nhà văn hóa. “Điều đáng nói là khu nhà văn hóa có sân bóng chuyền, sân cầu lông và người dân ở đây thường xuyên chơi vào buổi chiều. Nhưng khi biết chúng tôi là người ngoại tỉnh đến thuê trọ nên họ không muốn cho chơi”, anh Sơn nói.

Một chiều cuối tuần, trong ánh nắng vàng nhạt cuối xuân, đi xe gắn máy trong khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, người qua lại cảm thấy thoải mái khi đường thông hè thoáng, hai bên đường là cây xanh, hoa nở, không gian tươi tắn, đẹp như tranh vẽ. Nhưng khi vào thăm những khu nhà trọ của người lao động xung quanh đó, lòng chúng tôi trào dâng nỗi niềm thương cảm đối với những người lao động đang ngày đêm làm ra của cải, vật chất cho xã hội, làm giàu cho doanh nghiệp và cho địa phương, mà họ vẫn phải chật vật với cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, đời sống tinh thần bó hẹp trong bốn bức tường nhà trọ ẩm thấp...

“Có điều đáng quan tâm là trong khi chỉ số mức độ hài lòng về đời sống xã hội nói chung của CNLĐ đạt 5,24/10 điểm (trên mức trung bình); thì có hai chỉ số liên quan đến đời sống tinh thần của CNLĐ đều dưới mức trung bình. Đó là, mức độ hài lòng của CNLĐ về việc tổ chức các hoạt động tham quan, nghỉ mát, văn hóa, thể thao đạt 4,03/10 điểm; còn mức độ của hài lòng CNLĐ về việc được phổ biến chính sách, học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề đạt 4,24/10 điểm. Điều này đặt ra cho chúng ta phải có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập để góp phần cải thiện, nâng đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ ở các KCN”.

(TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn)

(Còn nữa)

Phóng sự điều tra của THIỆN VĂN - NHÃ TRƯỞNG