Bị Covid-19 có nên nuôi con bằng sữa mẹ? Cần làm gì để tránh lây nhiễm cho con?

Covid-19 có lây truyền qua sữa mẹ không?

Đến nay vẫn chưa xác định hết các phương thức lây lan của virus SARS-CoV-2. Lây lan từ người sang người được cho là xảy ra chủ yếu qua các giọt bắn đường hô hấp được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, tương tự như cách virus cúm và các mầm bệnh đường hô hấp khác lây lan.

WHO khuyến khích mẹ mắc Covid-19 tiếp tục cho con bú và thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn. (Nguồn: AFP)

Trong một số các nghiên cứu hạn chế ở phụ nữ mắc Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm do virus corona khác như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV), virus này chưa được phát hiện trong sữa mẹ. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc rằng, liệu các bà mẹ mắc Covid-19 có thể lây truyền virus cho con qua sữa mẹ hay không.

Có nên cho con bú khi nhiễm Covid-19 hoặc các bệnh truyền nhiễm khác không?

Sữa mẹ là nguồn cung cấp kháng thể chống lại nhiều bệnh tật. Trong số một số trường hợp ngoại lệ rất hiếm gặp thì việc cho con bú sữa mẹ không được khuyến khích. CDC Mỹ không có hướng dẫn cụ thể về việc cho con bú trong khi bị nhiễm các loại virus tương tự như SARS-CoV hoặc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).

Ngay khi sinh xong, CDC thường khuyến nghị bà mẹ bị cúm tiếp tục cho con bú hoặc vắt sữa cho trẻ uống, đồng thời vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân để tránh lây truyền virus cho con.

Mặc dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho hầu hết trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, có nhiều điều chưa biết về Covid-19. Việc bắt đầu hay tiếp tục cho con bú nên được quyết định bởi người mẹ cùng với các thành viên trong gia đình và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Một bà mẹ nhiễm Covid-19 hoặc nghi nhiễm do có triệu chứng nên thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể để tránh lây truyền virus cho trẻ, bao gồm rửa tay trước khi chạm vào trẻ sơ sinh và đeo khẩu trang, nếu có thể, trong khi cho con bú.

Nếu vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa điện, mẹ nên rửa tay trước khi chạm vào bất kỳ bộ phận nào của bình sữa và máy hút sữa và tuân theo các hướng dẫn để vệ sinh máy hút sữa đúng cách sau mỗi lần sử dụng. Nếu có thể, hãy cân nhắc việc cho bé bú nhờ một ai đó mà bà mẹ đó có tình trạng sức khỏe tốt.

Ở những nơi xuất hiện ca mắc Covid-19, các bà mẹ có nên cho trẻ bú mẹ không?

Có. Ở tất cả các nơi với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, nuôi con bằng sữa mẹ giúp cải thiện tỷ lệ sống sót và mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và sự phát triển trong suốt cuộc đời cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp cải thiện sức khỏe của các bà mẹ.

Sau khi sinh, có nên đặt trẻ da kề da ngay lập tức và cho bú sữa mẹ nếu người mẹ được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ mắc Covid-19?

Có. Thực hiện da kề da ngay lập tức và liên tục, bao gồm cả chăm sóc trẻ theo phương pháp Kangaroo, nhằm cải thiện việc kiểm soát thân nhiệt của trẻ sơ sinh. Điều này giúp tăng cường khả năng sống sót của trẻ sơ sinh. Đặt trẻ sơ sinh gần mẹ cũng giúp cho trẻ được bú mẹ sớm hơn dẫn đến giảm tỷ lệ tử vong.

Những lợi ích của việc tiếp xúc da kề da và cho trẻ bú sữa mẹ về cơ bản vượt trội so với nguy cơ có thể của việc lây truyền và bệnh tật liên quan đến Covid-19.

Người mẹ được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 muốn cho trẻ bú thì nên làm gì để phòng tránh cho trẻ?

Người mẹ mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 có thể cho trẻ bú nếu người mẹ muốn. Tuy nhiên, người mẹ nên thực hiện một số điều sau:

• Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dùng dung dịch rửa tay có cồn đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ;

• Đeo khẩu trang y tế bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, kể cả khi cho trẻ bú;

• Hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy. Sau đó loại bỏ khăn giấy ngay và rửa tay lại;

• Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào.

Điều quan trọng là phải thay khẩu trang y tế ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và loại bỏ ngay vào thùng rác có nắp đậy. Không nên tái sử dụng khẩu trang y tế hoặc chạm vào mặt trước của khẩu trang.

Người mẹ mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 nên thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho trẻ.(Nguồn: Timesofindia.indiatimes.com)

Nếu người mẹ được chẩn đoán xác đinh hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 mà không có khẩu trang y tế thì có nên cho trẻ bú không?

Có. Nuôi con bằng sữa mẹ đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và sự phát triển trí não trong suốt đời trẻ.

Các bà mẹ có các triệu chứng của Covid-19 nên đeo khẩu trang y tế, nhưng ngay cả khi không có khẩu trang y tế, vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú. Các bà mẹ nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác, như rửa tay, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, sử dụng khăn giấy che miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Khẩu trang loại khác không phải khẩu trang y tế (ví dụ khẩu trang tự chế hoặc khẩu trang vải) chưa được đánh giá. Tại thời điểm này, chúng tôi không thể đưa ra khuyến nghị nên hoặc không nên sử dụng những loại khẩu trang này.

Tôi được chẩn đoán xác định hoặc đang nghi ngờ mắc Covid-19 và tôi cảm thấy không khỏe để cho trẻ bú sữa mẹ trực tiếp. Tôi nên làm gì?

Nếu bạn cảm thấy không khỏe để cho trẻ bú sữa mẹ do Covid-19 hoặc do các biến chứng khác, bạn cần được hỗ trợ để cung cấp sữa cho trẻ theo cách sẵn có, an toàn nhất có thể và bạn có thể thực hiện được.

Các phương pháp đó là:

• Vắt sữa mẹ;

• Xin sữa từ Ngân hàng sữa mẹ

Nếu việc vắt sữa mẹ hoặc ngân hàng sữa mẹ không khả thi thì nên cân nhắc đến phương pháp “bú nhờ” (cho con bú bằng sữa bà mẹ khác) hoặc sữa công thức cho trẻ sơ sinh cùng với các biện pháp đảm bảo tính khả thi, đúng cách, an toàn và bền vững.

Tôi đã được chẩn đoán xác định hoặc đang nghi ngờ mắc Covid-19 và không thể cho trẻ bú, khi nào tôi có thể bắt đầu cho trẻ bú lại?

Bạn có thể bắt đầu cho trẻ bú ngay khi bạn cảm thấy đủ khỏe mạnh để làm việc này. Không có khoảng thời gian chờ cố định nào sau khi xác định mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19. Không có bằng chứng cho thấy việc cho trẻ bú làm thay đổi quá trình diễn biến lâm sàng của bà mẹ mắc Covid-19. Cán bộ y tế hoặc cán bộ tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cần hỗ trợ để bạn cho con bú lại.

Tôi đã được chẩn đoán xác định hoặc đang nghi ngờ mắc Covid-19, cho con tôi uống sữa công thức có an toàn hơn không?

Không. Luôn có những nguy cơ liên quan đến việc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ uống sữa công thức ở bất cứ môi trường nào. Các nguy cơ liên quan đến việc cho trẻ uống sữa công thức sẽ tăng lên nếu điều kiện của gia đình và cộng đồng còn hạn chế, ví dụ trường hợp khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế hạn chế mà trẻ không được khỏe, tiếp cận nước sạch và/hoặc việc tiếp cận nguồn cung sữa công thức cho trẻ còn khó khăn hay không đảm bảo về giá cả và tính bền vững.

Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ về cơ bản vượt trội nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh tật liên quan đến Covid-19.

(tổng hợp)