Bộ Tài chính: Còn dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

Liên quan đến công tác kiểm soát mục tiêu lạm phát, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9/2022 theo đó CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.

Với các kết quả nêu trên, lãnh đạo Cục Quản lý giá nhận định, bình quân 9 tháng mới đạt 2,73%, trong khi chỉ tiêu lạm phát Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4%, nghĩa là “dư địa còn tương đối lớn”- ông Truyền nhìn nhận.

Trong các tháng còn lại của năm 2022, theo Cục Quản lý giá, có 3 yếu tố gây áp lực làm tăng giá. Đó là giá nhiên liệu và năng lượng từ nay đến cuối năm có thể biến động theo chiều hướng tăng sẽ tác động lớn đến giá trong nước; áp lực lạm phát toàn cầu, sẽ tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa, hàng lương thực, thực phẩm, gây áp lực đến mặt bằng giá trong nước; ảnh hưởng do thời tiết, thiên tai, bão lũ từ nay đến cuối năm ảnh hưởng đến một số địa phương, cũng là yếu tố có thể làm tăng giá cục bộ tại một số địa phương.

Từ nay đến cuối năm, theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá trong việc bảo đảm yếu tố cung cầu và xử lý ngay nếu có yếu tố biến động về giá; điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm trọng điểm; chủ động đề xuất theo lộ trình, đánh giá kỹ tác động trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; sử dụng các công cụ về điều hành giá, như kê khai giá, niêm yết giá, tổ chức thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá.

Quang cảnh buổi họp báo tại Bộ Tài chính chiều ngày 29/9/2022

Làm rõ thêm các nhận định của Cục Quản lý giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Chính phủ cho đến nay vẫn nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra từ đầu năm.

9 tháng vừa qua, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ và các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Trong đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng…”- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi các giải pháp chính sách tài khóa, thực người tiêu dùng, giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng đã được các bộ, ngành chức năng thực hiện.

Bộ Tài chính luôn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó kịp thời, giữ cho được giá các mặt hàng chiến lược”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Ông Chi cho rằng, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, do đó không thể chủ quan, cần tiếp tục "điều hành nhịp nhàng" chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Quang Lộc