Các bộ môn thể thao mới: Triển vọng và những thách thức

Các VĐV Thanh Hóa giành được 1 HCV, 4 HCĐ trong lần đầu tham gia giải vô địch kurash quốc gia năm 2021.

Phi-líp-pin cũng đã đưa nhiều môn thế mạnh của họ vào nội dung thi đấu chính thức của SEA Games, trong đó có thể kể ra như kurash, arnis, jujitsu... Trước tình hình đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng đã có sự vận dụng linh hoạt khi chọn một số vận động viên (VĐV) các bộ môn judo, pencak silat chuyển sang thi đấu môn kurash và arnis (võ gậy). VĐV Hoàng Thị Tình vốn là trụ cột quan trọng của bộ môn judo và cũng là tuyển thủ quốc gia Việt Nam đã được giao trọng trách chuyển sang thi đấu môn kurash tại SEA Games 30.

Với cách thức thi đấu khá tương đồng như judo, Hoàng Thị Tình được xem là gương mặt triển vọng nhất của thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30. Ngay lần đầu thử sức môn kurash, Tình đã xuất sắc giành tấm HCV ở hạng cân dưới 52 kg nữ. Tấm HCV tại kỳ SEA Games 30 đã mở ra triển vọng phát triển môn kurash đối với thể thao Thanh Hóa. Năm 2020, đội tuyển kurash Thanh Hóa với 11 VĐV, trong đó chủ yếu là các VĐV judo được huấn luyện để tham gia thi đấu kurash đã giành được 1 HCV, 4 HCĐ tại giải vô địch quốc gia. Hoàng Thị Tình tiếp tục khẳng định đẳng cấp với tấm HCV. Từ những thành tích nói trên, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã quyết định thành lập bộ môn kurash, với nòng cốt chính là 4 VĐV từ bộ môn judo chuyển sang và tuyển mới. Mặc dù là bộ môn mới, bắt đầu từ “con số 0” nhưng đến nay kurash được xem là bộ môn mới đầy triển vọng của thể thao Thanh Hóa. Đây cũng là nội dung thi đấu tại SEA Games 31 (Việt Nam đăng cai) và dự kiến tại SEA Games 32 (Cam-pu-chia đăng cai năm 2023). Trong tương lai gần, bộ môn này cũng dự kiến sẽ đưa vào nội dung thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Vì vậy thầy trò bộ môn kurash Thanh Hóa đang nỗ lực từng ngày, phấn đấu giành thành tích cao tại giải vô địch quốc gia năm 2021, cũng như có sự chuẩn bị dài hơi, trọng điểm cho các giải quốc gia, quốc tế, mà đích ngắm là 2 kỳ SEA Games tới.

Jujitsu cũng là bộ môn nằm trong nội dung thi đấu chính thức của các kỳ SEA Games gần đây. Với luật thi đấu gần giống bộ môn vật tự do, bởi vậy việc thành lập bộ môn mới này của thể thao Thanh Hóa cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Lý do đầu tư bộ môn jujitsu, theo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, bắt nguồn từ định hướng của Tổng cục TDTT và thế mạnh của thể thao tỉnh nhà. Bộ môn jujitsu Thanh Hóa được thành lập, xây dựng với nòng cốt là HLV và VĐV chuyển từ bộ môn vật sang. Mặc dù là bộ môn non trẻ nhất, nhưng các VĐV Jujitsu của Thanh Hóa đã xuất sắc giành 1 HCV và 1 HCB tại giải vô địch các câu lạc bộ Jujitsu toàn quốc năm 2021, tổ chức tại Đà Nẵng tháng 4 vừa qua. Nguyễn Thị Thanh Trúc là VĐV xuất sắc nhất khi giành 1 HCV ở nội dung Newaza GI và 1 HCB ở nội dung Newaza NoGi, hạng cân trên 70 kg nữ. Đây là bước khởi đầu khá ấn tượng, mở ra nhiều triển vọng phát triển đối với jujitsu Thanh Hóa trong những năm tới. Không quá đặt nặng thành tích, jujitsu Thanh Hóa đang có kế hoạch chuẩn bị dài hơi hơn để tiếp tục duy trì thành tích tại giải quốc gia và hướng tới mục tiêu SEA Games. Việc xây dựng VĐV ở cả 3 tuyến đang được gấp rút hoàn thành và đội ngũ ban huấn luyện cũng liên tục được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.

Một bộ môn khá mới lạ nữa của thể thao Thanh Hóa là bi sắt. Ở đấu trường trong nước, môn bi sắt là thế mạnh của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Với mục tiêu đổi mới, tạo ra sự đa dạng cho thể thao tỉnh nhà, bộ môn bi sắt Thanh Hóa đã được thành lập với các thành viên được tuyển chọn mới và chuyển từ một số bộ môn khác sang. Việc thành lập và đầu tư môn bi sắt được triển khai từ năm 2020 với khá nhiều thử thách. Đầu tiên là đội ngũ HLV phải được gửi đi đào tạo, tập huấn chuyên môn, luật thi đấu. Các VĐV cũng được tuyển chọn và đào tạo từ “con số 0”. Dự kiến năm 2021, các VĐV bi sắt Thanh Hóa sẽ lần đầu tiên tham dự giải vô địch quốc gia để có sự đánh giá quá trình huấn luyện, tập luyện, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các VĐV bi sắt Thanh Hóa vẫn chưa có cơ hội được thử sức. Qua đánh giá của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, việc thành lập và đầu tư môn bi sắt đã được tính toán khá kỹ lưỡng. Giải vô địch quốc gia môn bi sắt những năm gần đây chỉ có trên dưới 10 đơn vị trong nước tham gia, cơ hội giành thành tích cao là khá thuận lợi. Các VĐV của Thanh Hóa có ưu điểm thích nghi và bắt nhịp khá tốt. Dù chưa đầy 1 năm tập trung, tuy vậy các thành viên của bộ môn bi sắt đã sớm thể hiện được khả năng của mình và hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương tại đấu trường quốc gia.

Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thể thao Thanh Hóa dự kiến nâng số lượng VĐV lên hơn 1.000 với trên 35 bộ môn. Vì vậy, việc bổ sung các môn thể thao mới là rất cần thiết. Các môn mới như kurash, jujitsu, bi sắt được kỳ vọng sẽ trở thành thế mạnh của thể thao tỉnh nhà. Việc đầu tư các bộ môn nói trên đã được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi trình ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng như UBND tỉnh quyết định. Những thành tích khởi đầu khá ấn tượng của các bộ môn này trong năm 2020 và năm 2021 là cơ sở quan trọng để khẳng định cho sự lựa chọn nói trên.

Bài và ảnh: Mạnh Cường