Cha đẻ giải Nobel phát minh thuốc nổ thế nào?

Alfred Nobel (1833 – 1896), nhà hóa học nổi tiếng người Thụy Điển là người đã khai sinh ra Giải Nobel, đồng thời cũng là người đi tiên phong trong phát minh thuốc nổ hiện đại.

Cơ duyên dẫn Nobel đến với thuốc nố đến từ gia đình. Cha ông là một kỹ sư và nhà phát minh. Năm 1842, gia đình Nobel chuyển đến Nga, nơi người cha mở một công ty chuyên cung cấp thiết bị cho quân đội Sa hoàng.

Năm 1850, Alfred Nobel được cha gửi ra nước ngoài để theo học ngành kỹ thuật hóa học. Sau những năm ở Đức, Pháp và Mỹ, ông cùng cha trở về Thụy Điển sau khi công ty gia đình phá sản.

Trở lại Thụy Điển, Nobel dành hết tâm huyết cho chất nổ. Do em trai là Emil đã chết trong một vụ nổ nitro-glycerine trong quá trình nghiên cứu của mình, Nobel đã hối hận và trở nên đặc biệt quan tâm đến việc sản xuất và sử dụng an toàn nitro-glycerine, một chất nổ có tính chất ít ổn định.

Ông đã kết hợp nitro-glycerine với silica, một chất trơ làm tăng độ an toàn và dễ thao tác hơn. Phát minh này của ông đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1867 dưới tên gọi “thuốc nổ” (dynamite).

Thuốc nổ của Nobel sớm được đưa vào sử dụng trong ngành khai mỏ, xây dựng, và cả trong quân sự trên toàn thế giới. Sau này, Nobel tiếp tục chế tạo ra một số chất nổ khác.

Trong thập niên 1870-1880, Nobel đã xây dựng một mạng lưới nhà máy sản xuất thuốc nổ trên khắp châu Âu. Năm 1894, ông mua một xưởng chế tạo đồ sắt ở Bofors, chính là tiền thân của nhà máy sản xuất vũ khí Bofors nổi tiếng.

Những năm cuối đời, Nobel tiếp tục làm việc trong phòng thí nghiệm, phát minh ra nhiều vật liệu tổng hợp và giành được 355 bằng sáng chế.

Vào giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, Nobel đã bị báo giới gán cho biệt danh "nhà buôn cái chết" vì các loại thuốc nổ của ông đã được sử dụng vào mục đích giết chóc, làm thiệt mạng nhiều người. Điều này thôi thúc ông để lại một di sản tốt hơn cho thế giới sau khi chết.

Nobel mất tại Italia vào ngày 10/12/1896. Theo di chúc, ông dành phần lớn gia tài khổng lồ của mình để lập nên các giải thưởng thường niên về Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình, được gọi là các giải thưởng Nobel...

Mời quý độc giả xem video: Giáng sinh trên miền đất Hồi Giáo | VTV24.

T.B (tổng hợp)