Chàng trai đam văn hóa Việt, mang những dự án đầy ý nghĩa đến cộng đồng

Anh Bùi Đình Nam, sinh năm 1994, hiện đang công tác tại công ty Cổ phần công nghệ Giáo dục TTK Việt Nam. Anh được biết đến là một người chu đáo, nhiệt huyết và có niềm đam mê đối với văn hóa Việt Nam, tính đến nay anh đã và đang tham gia, tổ chức nhiều các buổi tọa đàm lịch sử, các sự kiện văn hóa truyền thống và các dự án nhằm phục dựng những dấu ấn lịch sử bị biến mất theo thời gian.

Chân dung chàng trai trẻ với niềm đam mê văn hóa Việt (Ảnh: NVCC).

Tìm thấy niềm đam mê với văn hóa Việt qua những chuyến đi thực tế

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Nam, từ những ngày đầu bước chân lên Hà Nội, anh Nam đã lựa chọn theo học tại trường đại học Văn Hóa Hà Nội – chuyên ngành Bảo tàng học, cũng từ đây anh đã nhen nhóm tình yêu với lĩnh vực văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Anh chia sẻ: “Mình còn nhớ thời điểm đang còn là sinh viên, trên kênh Youtube có chương trình “Thông điệp từ cổ vật” được VTV đăng tải. Ban đầu mình chỉ xem chương trình như một video giải trí, nhưng cứ xem hết số này đến số khác lâu dần mình đã nảy sinh niềm yêu thích đối với văn hóa, lịch sử Việt Nam và quyết định tìm hiểu về nó. Tuy nhiên đến năm thứ ba đại học, khi được đi thực tế tại các điểm bảo tàng, di tích quốc gia thì mình mới thực sự xác định được đam mê và định hướng phát triển của bản thân trong lĩnh vực này”.

Chàng trai trẻ cho biết trong quá trình học tập bản thân rất may mắn khi được thầy cô và các chuyên gia trong lĩnh vực này cho những lời khuyên bổ ích, Anh bày tỏ: “Từng có một người thầy mà mình rất tôn trọng nói rằng “Học văn hóa cần phải đi thực tế mới thấy hết được giá trị của lịch sử nước nhà”. Quả đúng vậy, học phải đi với hành mà”.

Chuyến đi thực tế cùng CLB Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại động Kính Chủ, Hải Dương (Ảnh: NVCC)

Cũng từ quan điểm đó trong suốt những năm cuối đại học anh Nam luôn dành thời gian cho những buổi học thực tế ở nhiều nơi, nhiều di tích khác nhau, từ các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình đến các huyện lân cận Hà Nội. Có thời điểm anh từng bỏ ra 2 tháng sau tốt nghiệp chỉ để đi điền dã, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ ở các vùng đất mới, tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.

Anh chia sẻ: “So với việc tiếp thu những kiến thức trên sách vở thì việc đi thực tế đã giúp mình nhận thấy lĩnh vực này không hề “Khô khan và nhàm chán” như mọi người thường đánh đánh giá và cũng từ những chuyến đi đó niềm say mê với văn hóa, lịch sử của mình mới ngày càng được nhen nhóm và bùng cháy”.

Anh Bùi Đình Nam phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Huy (phải) tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Ảnh: NVCC).

Buổi làm việc với GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ngồi) chuẩn chị cho sự kiện “Các hình thức táng ở Việt Nam - Phần 3” (Ảnh: NVCC)

Chuyến tham quan của anh Nam cùng các cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại chùa Phật Tích - Bắc Ninh, 2017 (Ảnh: NVCC)

Cống hiến hết mình với những dự án văn hóa, lịch sử

Vào năm 2016, nhận thấy đây là nơi bản thân có thể “cháy hết mình” với đam mê văn hóa, lịch sử anh Nam đã quyết định tham gia vào Câu lạc bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Được gặp gỡ với những người có cùng chung sở thích, luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kiến thức để bổ khuyết cho nhau. Lúc đấy anh mới bắt đầu ấp ủ kế hoạch mời các chuyên gia vào các dự án nhỏ của câu lạc bộ, tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu chia sẻ về kiến thức lịch sử, văn hóa mà anh đã được tìm hiểu và nghiên cứu.

Chỉ trong 3 năm với vai trò là trưởng ban tổ chức anh Nam đã cùng với các bạn tình nguyện viên Câu lạc bộ Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức thành công 4 buổi tọa đàm bao gồm: “Các hình thức táng ở Việt Nam” – Phần 1, 2; “Những con của rồng” và “Tìm hiểu nguồn gốc người Việt qua một số biểu tượng văn hóa”.

Các sự kiện này đều thu hút lần lượt từ 120 đến 140 và cao điểm nhất số lượng khách tham quan đã lên tới con số 160 người tới tham dự. “Mình cho rằng, đây thực sự là những con số biết nói, điều đó cho thấy công chúng thực sự rất quan tâm tới những mảng chủ đề sự kiện văn hóa” Anh Nam chia sẻ .

Anh Nam phát biểu tại buổi tọa đàm “Những đứa con của rồng”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia ( Ảnh NVCC)

Ngoài những dự án lớn anh Nam cũng giúp các nhóm sinh viên hoàn thành các đề tài nghiên cứu, xây dựng và hỗ trợ các nhóm dự án nghiên cứu phục dựng, tái thiết lại những mảnh ghép lịch sử đã bị bao phủ bởi lớp bụi thời gian trong đó có dự án “Xây dựng các hoạt động Văn hóa và Nghệ thuật” trên Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - Hồ Tây; Workshop “Nghe gốm kể chuyện” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia; "Tọa đàm cộng đồng “ Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020” tại Bảo tàng Hà Nội.

Anh Nam và nhóm cộng sự tại buổi Tọa đàm “Tìm hiểu nguồn gốc người Việt qua một số biểu tượng văn hóa”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ảnh: NVCC)

Anh Nam và nhóm hỗ trợ tọa đàm cộng đồng “Nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam 2020” (Ảnh: NVCC).

Vào cuối năm 2020, đảm nhiệm vai trò trưởng ban truyền thông với dự án trưng bày “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo” của Sen Heritage tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bản thân và nhóm đã có nhiều khó khăn trong quá trình quảng bá dự án.

Tuy nhiên kết quả đạt được chỉ sau hơn 1 tuần số lượng người tham quan đã trên 2.000 người, với hơn 20 đoàn khách, trên 20 báo đài chính thống đưa tin, thậm chí có đoàn tham quan tận Quảng Ninh cũng muốn cho học sinh tới trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR3D chùa Diên Hựu.

Có thể nói rằng đây chính là sự kiện thành công nhất trong năm 2020 mà anh Nam và các cộng sự đã làm được cho cộng đồng.

Anh Bùi Đình Nam hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại trưng bày “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo” của Sen Heritage, 2020 ( Ảnh: NVCC)

Niềm vui sau mỗi dự án

Trải qua nhiều những dự án lớn nhỏ, khi được hỏi về những thành tích mà bản thân đạt được, anh cho biết đối với bản thân khi làm các sự kiện thì đều mong muốn mang lại những giá trị, trải nghiệm mới cho công chúng.

Anh tâm sự: “Niềm hạnh phúc của mình đôi khi chỉ là khán giả khi ra về, trên khuôn mặt họ luôn nở nụ cười và feedback lại ban tổ chức rằng họ rất hài lòng vì những gì đã thu lượm được sau sự kiện. Ngoài ra, dư âm sau những buổi sự kiện đó còn âm ỉ tới 2, 3 tuần liên tiếp và họ còn nhắc tới nó nghĩa là bản thân nhóm tổ chức sự kiện cũng đã có dấu ấn nhất định trong lòng họ rồi. Đối với mình đó mới chính là thành tích quý giá nhất”.

Nhóm dự án “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo” của Sen Heritage, 2020 (Ảnh: NVCC)

Kết thúc buổi trò chuyện, anh Nam chia sẻ ở thời điểm này bản thân cũng đang lên kế hoạch cho một buổi tọa đàm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đó sẽ là một chủ đề mới để kết thúc chuỗi các sự kiện “Các hình thức táng ở Việt Nam” (Phần 3).

Đồng thời, trong tương lai anh sẽ tiếp tục hợp tác để làm một dự án mới với Sen Heritage và hứa hẹn đây sẽ là dự án có sức lan tỏa đến gần hơn với đông đảo công chúng. Hy vọng sẽ được mọi người nhiệt tình theo dõi và ủng hộ những dự án mới này.

Trâm Anh