Phủ quyết với mọi nghiên cứu khoa học
Ông Clive Bates, một chuyên gia về chính sách kiểm soát thuốc lá, từng là giám đốc tổ chức chống thuốc lá Anh Quốc mang tên Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe (ASH). Ông Bates cho rằng những tổ chức chống thuốc lá đang cố chấp với định kiến cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra các sản phẩm giảm thiểu tác hại là để tạo ra thế hệ nghiện mới chứ không phải hướng tới sức khỏe cộng đồng. Ông cũng nhận định việc cố chấp bám giữ quan điểm cực đoan này và bỏ qua mọi nỗ lực của ngành y tế công cộng trên toàn cầu đối với việc chứng minh khả năng giảm thiểu tác hại của những sản phẩm không khói, điều này sẽ chỉ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.
Một hội thảo về phòng chống tác hại thuốc lá
Công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số người hút thuốc lá vẫn không giảm trong vòng 5 năm tới và dự kiến sẽ vào khoảng 1,1 tỷ người – chiếm khoảng 14% dân số toàn cầu, tương đương với dân số của châu Mỹ và châu Đại dương. Các chuyên gia cảnh báo con số này sẽ không giảm đi đồng thời sức khỏe cộng đồng cũng không được cải thiện nếu đường lối “cố chấp và cực đoan” hiện tại vẫn không được thay đổi.
Đã có những bằng chứng cho thấy tại một số nước có nhận tài trợ của Quỹ Bloomberg thông qua các tổ chức chống thuốc lá bao gồm HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), Vital Strategies, The Union…, đạo luật kiểm soát thuốc lá có tính cực đoan đã được thông qua. Những đạo luật này đều phủ nhận khoa học đã được kiểm chứng bởi các tổ chức y tế công cộng uy tín trên toàn cầu đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (còn gọi là thuốc lá không khói).
Dấu hỏi về tính minh bạch trong xây dựng chính sách đã dấy lên tại những nước này. Đồng thời, điều này cũng gây ra sự tranh luận, mâu thuẫn nội bộ trong khi thực tế về gánh nặng thuốc lá điếu vẫn không suy giảm. Đáng chú ý là gần đây, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Philippines phải điều trần trước quốc hội khi bị cáo buộc đã nhận khoản tài trợ không minh bạch từ tổ chức chống thuốc lá để ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm thuốc lá không khói.
“Khi còn là Giám đốc tổ chức ASH, tôi đã nỗ lực hết mình trong sự nghiệp kiểm soát và đặt ra nhiều thách thức nhất có thể nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá. Tuy nhiên, khi giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần phải trở nên cởi mở hơn”, ông Bates chia sẻ. Ông cũng đồng thời khẳng định, thế giới thay đổi nhờ những phát kiến đổi mới. Vì vậy, không nên chối bỏ những gì khoa học đã kiểm chứng, không nên vì định kiến mà gạt bỏ giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá đến từ một công ty thuốc lá hoặc bất kỳ đơn vị kinh doanh sản phẩm nicotin nào. Cũng theo ông Bates, những quyết định xoay quanh luật cấm chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Lệnh cấm chỉ làm cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được mua bán trên thị trường chợ đen hoặc thông qua mạng lưới tội phạm.
Tự quyết định chính sách
Hiện đã có nhiều bằng chứng cho thấy các tổ chức trực thuộc Quỹ từ thiện tư nhân của Michael Bloomberg đang vượt khỏi phạm vi tuyên truyền tác hại thuốc lá. Thay vào đó, để đẩy nhanh những chính sách cực đoan đối với thuốc lá không khói, các tổ chức chống thuốc lá đang làm cho vai trò của chính phủ trở nên mờ nhạt trong công chúng khi ngày càng có nhiều sự kiện cho thấy họ đang làm thay việc của chính phủ. Vì đường lối cực đoan này mà Quỹ Bloomberg đã từng bị nhắc đến kèm quan ngại về “mối đe dọa đối với sức khỏe và nền khoa học toàn cầu”.
Chẳng hạn tại Mexico, luật sư viên chức của tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (CTFK), một trong những tổ chức kiểm soát thuốc lá toàn cầu lớn nhất trong đó có Việt Nam do Quỹ Bloomberg tài trợ , đã “thay mặt Chính phủ Mexico” soạn thảo một văn bản luật hạn chế nghiêm ngặt các hoạt động nhập khẩu và kinh doanh các thiết bị thuốc lá không khói. Một loạt các lệnh cấm các sản phẩm thuốc lá không khói cũng đã và đang được ghi nhận tại những nước mà Quỹ Bloomberg có mặt như Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan…
Nhiều năm qua Việt Nam đã trì hoãn việc quản lý thuốc lá thế hệ mới và điều này được cho là một trong những nguyên nhân của tình trạng buôn lậu. Thực tế là thời gian qua các cơ quan quản lý thị trường tại nhiều tỉnh thành đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới với giá trị lớn. Chính phủ đã có ít nhất ba lần yêu cầu các cơ quan bộ ngành liên quan khẩn trương đề xuất phương hướng quản lý thuốc lá thế hệ mới để góp phần phòng chống buôn lậu, tránh thất thoát thuế cũng như bảo vệ người dùng.
Thế nhưng cho đến nay, chỉ đạo này vẫn còn đang nằm trên giấy và chưa được triển khai thực tiễn. Điều đáng nói là kể cả những sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá làm nóng vốn đã thuộc luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành, vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của luật vì những tranh luận phần lớn dựa trên định kiến đối với ngành hàng thuốc lá mà các tổ chức chống thuốc lá đã tạo ra trong nhiều năm qua.
Hiện để phòng chống những sản phẩm thuốc lá buôn lậu tấn công vào học đường, cộng đồng, Bộ Y tế đã và đang triển khai việc tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nói riêng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức là không đủ nếu thiếu hành lang pháp lý nghiêm minh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi những người hút thuốc đã quá “nhờn” trước những cảnh báo về tác hại của thuốc lá. Việc cấp thiết là đưa tất cả các sản phẩm đủ điều kiện quản lý theo luật hiện hành vào vòng kiểm soát nhằm giảm gánh nặng cho các cơ quan chức năng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước sự tấn công của hàng lậu không rõ nguồn gốc, chất lượng hoặc thậm chí trá hình.
Minh Quang