Cỗ máy 'đọc được suy nghĩ của Hitler'

Máy tính giải mã Colossus có kích thước tương đương một căn phòng. Ảnh: GCHQ.

Ngày 18/1, Trụ sở Truyền thông Chính phủ Vương quốc Anh (GCHQ) công bố loạt ảnh chưa từng thấy về Colossus, dòng máy tính phá mã bí ẩn, góp phần giúp phe Đồng minh giành thắng lợi trong Thế chiến II.

Theo BBC, loạt ảnh được GCHQ công bố nhằm kỷ niệm 80 năm phát minh cỗ máy. Cơ quan này cho biết đã "làm sáng tỏ nguồn gốc và cách hoạt động của Colossus", được nhiều người gọi là máy tính kỹ thuật số đầu tiên.

Phần lớn sự tồn tại của Colossus được giữ bí mật đến đầu những năm 2000. Anne Keast-Butler, Giám đốc GCHQ, cho biết bộ ảnh nhắc nhở về "sự sáng tạo và khéo léo cần thiết" giúp bảo vệ đất nước.

"Đổi mới công nghệ luôn là trọng tâm của chúng tôi tại GCHQ. Colossus là ví dụ hoàn hảo về cách đội ngũ giúp chúng ta luôn dẫn đầu công nghệ, kể cả khi chúng tôi không thể nói về nó", Keast-Butler cho biết.

Cỗ máy giúp "đọc suy nghĩ của Hitler"

Colossus không phải một cỗ máy, mà gồm hàng loạt máy tính được các nhà khoa học Anh phát triển từ năm 1943-1945.

Những chiếc máy này hỗ trợ phá mật mã Lorenz, loại mã phức tạp dùng để quan chức cấp cao của Đức Quốc xã liên lạc tại các vùng bị chiếm đóng.

Máy tính giải mã Colossus. Ảnh: GCHQ.

Chiếc Colossus đầu tiên được chuyển đến Bletchley Park, trung tâm giải mã chính của quân Đồng minh thời Thế chiến II, vào ngày 18/1/1944. Đến cuối cuộc chiến, có 10 chiếc được chế tạo để giải mã các thông điệp của Đức Quốc xã.

Công nghệ của Colossus được đánh giá sáng tạo vào thời điểm đó, bao gồm 2.500 ống chân không để tạo ra các cổng logic (logic gate), tiền thân của mạch điện tử dựa trên chất bán dẫn trong máy tính hiện đại.

Với chiều cao hơn 2 m và phần cứng phức tạp, Colossus yêu cầu đội ngũ vận hành và kỹ thuật viên lành nghề để sử dụng và bảo trì. Họ thường là thành viên Lực lượng Hải quân Hoàng gia Nữ (Wrens).

Bên cạnh ảnh chụp thực tế, sơ đồ hoạt động của Colossus cũng lần đầu được GCHQ công bố, bên cạnh bức thư đề cập "các chỉ dẫn đáng báo động của Đức" mà Colossus phát hiện, cùng đoạn ghi âm lúc cỗ máy hoạt động.

Colossus cao hơn 2 m, gồm 2.500 ống chân không để tạo ra các cổng logic (logic gate). Ảnh: GCHQ.

Đến cuối Thế chiến II, 63 triệu ký tự trong các thông điệp của Đức được giải mã bởi 550 người vận hành máy tính. Theo Reuters, cỗ máy này giúp giảm thời gian giải mã tin nhắn từ nhiều tuần xuống vài giờ.

Một trong những thành công đáng chú ý của Colossus là giúp quân Đồng minh biết Hitler bị lừa rằng cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng minh diễn ra vào tháng 6/1944 tại Calais. Thực tế, địa điểm đổ bộ thực sự là Normandy.

Sydney Morning Herald mệnh danh những cỗ máy này cho phép quân Đồng minh "đọc suy nghĩ của Hitler".

Tiền đề cho máy tính hiện đại

Các nhà sử học cho rằng Colossus giúp rút ngắn cuộc chiến và cứu nhiều mạng sống. Bất chấp vai trò quan trọng, đội ngũ kỹ sư và chuyên viên giải mã tuyên thệ giữ bí mật về sự tồn tại của máy tính trong gần 60 năm.

Sau chiến tranh, chính phủ Anh ra lệnh phá hủy 8/10 cỗ máy. Tommy Flowers, kỹ sư thiết kế Colossus, được lệnh bàn giao tất cả tài liệu về thiết bị cho GCHQ.

Một số thành viên của Wrens vận hành Colossus. Ảnh: GCHQ.

Theo cơ quan này, những máy tính còn lại vẫn được dùng đến những năm 1960 nhờ công nghệ "rất hiệu quả", trước khi bị tháo dỡ.

Sự tồn tại của Colossus không được cơ quan tình báo Anh thừa nhận đến những năm 2000. Họ giữ bí mật tốt đến mức Bill Marshall, cựu kỹ sư GCHQ làm việc với Colossus những năm 1960, không biết vai trò của cỗ máy trong thời chiến.

Thập niên 1990, kỹ sư Tony Sale khởi động dự án "hồi sinh" Colossus, với việc xây dựng lại 90% khả năng vận hành của Colossus Mark 2 vào năm 2007. Hiện nay, cỗ máy được trưng bày tại Bảo tàng Máy tính Quốc gia Anh ở Bletchley Park.

Một bản vẽ liên quan đến Colossus. Ảnh: GCHQ.

Andrew Herbert, Chủ tịch ủy thác tại bảo tàng, cho biết việc công bố loạt ảnh là dịp tôn vinh tác động lâu dài của Colossus.

"Từ góc độ kỹ thuật, Colossus là tiền thân quan trọng của máy tính điện tử kỹ thuật số hiện đại.

Nhiều người trong nhóm vận hành Colossus tại Bletchley Park trở thành những nhà tiên phong, lãnh đạo quan trọng của ngành điện toán Anh trong những thập kỷ sau chiến tranh, một số còn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ", Herbert nhấn mạnh.

Phúc Thịnh