Công viên văn hóa đá - Quần thể kiến trúc nghệ thuật

Công viên văn hóa đá biển Tuy Hòa có ngọn Hải Đăng thu nhỏ được xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo, bên dưới là hồ nước. Ảnh: MINH NGUYỆT

Ý tưởng thiết kế công trình

Theo quyết định phê duyệt thiết kế thi công của Sở Xây dựng, công viên văn hóa đá biển Tuy Hòa có các công trình sau: Tháp Phong Cảnh được xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo, có chiều cao 16m so với lề đường Độc Lập, kiểu dáng kiến trúc hình hộp, toàn bộ bên ngoài tháp được ốp đá granite; xung quanh được gắn 11 bức phù điêu thể hiện di tích, danh thắng toàn tỉnh Phú Yên.

Nội dung, hình thức các phù điêu rất phong phú, được hội đồng nghệ thuật cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng làm chủ tịch với sự tham gia của các thành viên: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL, Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật) và chủ đầu tư công trình. Hội đồng góp ý, nghiệm thu qua 4 giai đoạn: phác thảo ý tưởng, dựng mô hình tỉ lệ 1/1, chế tác tại xưởng và gắn kết vào công trình. Các phù điêu này đều do các nghệ nhân, họa sĩ người Phú Yên thực hiện.

Bên dưới tháp Phong Cảnh có một cổng vòm cao 6,7m, kích thước thông thủy rộng 1,9 và cao 3,8m. Công trình được mô phỏng kiến trúc cổng đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh; hình dáng, đá ốp lát làm ta liên tưởng đến văn hóa kiến trúc cổ đình, lẫm tại Phú Yên.

Phía nam là ngọn Hải Đăng thu nhỏ cũng được xây dựng trên một ngọn đồi nhân tạo, công trình có độ cao 15,5m so với lề đường Độc Lập. Tháp hình tròn, đường kính đáy tháp 2,4m, thu nhỏ dần lên ngọn còn 1,6m, bên ngoài sơn màu trắng nhạt. Chúng ta có thể leo lên ngọn đồi ngắm toàn cảnh công viên, công trình tượng trưng cho ngọn hải đăng Mũi Điện, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc.

Cổng vòm được mô phỏng kiến trúc cổng đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Dưới chân đồi ngọn Hải Đăng là một hồ nước lớn có diện tích 514m2, với thác nước từ ngọn đồi Hải đăng đổ xuống. Bắc qua hồ nước này là một cầu đá có 5 mố trụ, mặt cầu rộng 3m được lát bằng những phiến đá dày 360cm, rộng 750cm và dài 2.500cm; dầm cầu, trụ cầu cũng được làm bằng đá vững chãi.

Phía đông hồ nước còn có 3 cổng được tạo dựng hoàn toàn bằng những phiến đá nguyên khối; ý tưởng được lấy từ công trình Stonehenge (Anh Quốc), là nơi thờ thần Mặt Trời, một di tích kiến trúc đá cổ nhất của loài người (3.100 năm trước Công nguyên) và được UNESCO công nhận Di sản thế giới năm 1986. Đứng tại đây, nhìn qua cổng cửa sổ như muốn nhắc ta, thế kỷ XXI, con người, đô thị vươn ra biển làm kinh tế biển, tiếp nhận nền văn minh của thế giới.

Phía bắc công viên là nhà trưng bày cao 1 tầng, diện tích 220m2, phía trên mái dán ngói màu xanh. Công trình lấy ý tưởng từ mái nhà làng biển, các nhà quây quần bên nhau để thuận lợi cho việc gọi nhau đi biển (đi bạn). Chúng tôi thiết nghĩ nên bố trí nhà giải khát, quầy bán đồ lưu niệm sẽ thích hợp hơn và bổ sung một số ghế đá trong công viên này.

Ngoài các công trình nêu trên, toàn bộ sân đường, bậc cấp, các bồn cây xanh đều được ốp lát bằng đá granite; khi tới đây ta như lạc vào những hoài niệm cổ xưa, lạc vào công viên với những công trình chứa đựng ngôn ngữ nghệ thuật kiến trúc sâu lắng.

Điểm đến thú vị

Mỗi chiều hay về tối, khi thác nước đổ xuống, tung bọt trắng xóa, dưới ánh điện lung linh, các công trình kiến trúc đá đẹp hơn hẳn với sắc màu huyền ảo. Cái đẹp của công viên thầm lặng, lắng sâu trong tâm trí của mỗi người, khi ta thấu hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật kiến trúc công trình. Trên tháp Phong Cảnh, bên cạnh dòng chữ: Phú Yên điểm đến hấp dẫn và thân thiện là 11 bức phù điêu được tạc trên đá granite gắn bao quanh trụ. Trong đó có 2 phù điêu biểu trưng cho tỉnh Phú Yên đó là núi Đá Bia và núi Cù Mông, còn lại 9 phù điêu thuộc về các huyện, thị, thành phố.

Các cổng được tạo dựng bằng những phiến đá nguyên khối, ý tưởng được lấy từ công trình Stonehenge (Anh Quốc). Ảnh: MINH NGUYỆT

Cụ thể, TX Sông Cầu với cảnh vịnh Xuân Đài; huyện Tuy An là danh thắng Gành Đá Đĩa và bộ đàn đá; huyện Đồng Xuân là hình ảnh cầu La Hai và nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại Phú Yên; huyện Sơn Hòa là di tích Nhà thờ Bác Hồ; huyện Sông Hinh là cảnh sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc bên mái nhà rông; huyện Tây Hòa là cánh đồng lúa và đêm Đồng khởi Hòa Thịnh; huyện Phú Hòa là di tích Đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh; TX Đông Hòa là hải đăng Mũi Điện; TP Tuy Hòa là núi Nhạn sông Đà.

Các bạn đã đi tới những nơi mà các bức phù điêu này ghi lại chưa? Ở nơi đó, hồn đất và tình người lắng sâu, là những câu chuyện huyền sử mà cha ông ta khai phá đất và xây dựng quê hương; xem qua các bức phù điêu, ta càng hiểu hơn về miền đất hoa vàng cỏ xanh.

Các bạn cũng đừng quên đưa con trẻ đến đây chinh phục ngọn đồi tháp Hải Đăng, ngắm toàn cảnh công viên; được reo hò trên cầu đá, được vui sướng ngồi trên những phiến đá, xõa chân trên hồ nước trong veo… Các bạn thích sống ảo hãy tìm đến các cổng thờ thần Mặt Trời, nhìn qua cửa sổ buổi tối sẽ thấy trăng vàng nhô lên từ những con sóng nhấp nhô, buổi sáng mặt trời tỏa sáng từ phía biển xanh, tha hồ mà check-in để có những tấm hình đẹp.

Đến Công viên văn hóa đá, tháp Nghinh Phong cùng với những nhà hàng khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều món hải sản tươi ngon, không gian thoáng đãng, rừng dương xanh, bờ cát trắng, nước trong xanh, các bạn tha hồ tắm biển, thưởng thức vẻ đẹp hương vị đại dương xanh.

Hoàng Xuân Thưởng/ Báo Phú Yên