ĐBSCL đi tìm giải pháp ' tạo sinh kế' bền vững cho đồng bào Khmer

Đồng bào Khmer Nam bộ có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Từ nhiều năm qua, các địa phương trong khu vực triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng nên đời sống, kinh tế đồng bào Khmer trong khu vực ngày càng được khấm khá. Tuy nhiên hiện nay đời sống đồng bào Khmer nhiều nơi vẫn còn gặp khó khăn. Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo trong đồng bào Khmer, các nhà khoa học, nhà quản lý đã và đang triển khai nhiều biện pháp mang tính khoa học, phù hợp hơn với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Đồng bào Khmer Nam bộ phận lớn sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ cuộc sống vẫn còn gặp khó khăn

Tại Hội thảo khoa học về “giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, “tạo sinh kế” bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được tổ chức tại Cần Thơ, đại diện các viện, trường, UBMTTQVN và Ban dân tộc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã thảo luận sôi nổi để tìm giải pháp tạo sinh kế bền vững trong đồng bào Khmer. Một trong những bất cập được các đại biểu trao đổi thảo luận nhiều đó là công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất trong đồng bào Khmer. Các đại biểu cho rằng công tác này tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhiều hộ còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước không chí thú làm ăn nên rất khó thoát nghèo.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học về “giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, “tạo sinh kế” bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vừa được tổ chức tại Cần Thơ

Bà Bùi Mỹ Thuận, Trưởng Ban Dân vận huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có ý kiến: "Một bộ phận đồng bào dân tộc còn tư tưởng trông chờ ỷ lại những chính sách của đảng và Nhà nước , để tiếp tục phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong việc tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững mặt trận tổ quốc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer để thực hiện đúng đường lối chủ trương chính sách của đảng và Nhà nước cũng như tiếp tục vận động đồng bào Khmer tích cực phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương".

Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, một số văn bản chưa cụ thể hóa nội dung thực hiện nên việc xác định nội dung thực hiện tiểu dự án còn khó khăn.

Những sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer được trưng bày tại Hội thảo

Để tháo gỡ những khó khăn này các nhà quản lý đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và bà con người dân tộc Khmer nhằm thay đổi nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao công nghệ.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Ban dân vận huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ nói: "Giải pháp nâng cao nhận thức, ý chí vươn lên trong cuộc sống trong từng hộ gia đình người dân tộc. Bản thân chúng tôi nhận thấy đây là nhóm giải pháp rất quan trọng. Cộng đồng phải có trách nhiệm để khơi gợi ý chí vươn lên thoát nghèo trong từng thành viên hộ nghèo".

Phum Sóc của đồng bào Khmer ở xã Tân Mỹ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long hiện nay

Một số ý kiến đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc Khmer để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc. Chú trọng công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức trong tình hình mới đối với đội ngũ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Khmer nói riêng; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các Dự án 3, Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy “tạo sinh kế” bền vững cho vùng đồng bào hiệu quả, thiết thực. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của dân tộc Khmer gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL sinh hoạt tôn giáo

PGS-TS Nguyễn Xuân Phong Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer trong thời gian tới.

"Từ những ý kiến đề xuất trong hội thảo hôm nay, Ban tổ chức sẽ biên soạn tổng hợp thành bộ tài liệu chuyên đề để gửi lãnh đạo trung ương các tỉnh thành để tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo để làm rõ hơn vai trò của mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở các tỉnh thành phố trong việc thực hiện các giải pháp bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL", PGS-TS Nguyễn Xuân Phong chia sẻ.

Dư luận trong đồng bào, sư sãi Khmer khu vực ĐBSCL rất phấn khởi khi được các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới. Qua Hội thảo này các địa phương sẽ tiếp tục triển khai những sáng kiến, những giải pháp khả thi của các nhà khoa học đến từ các Viện, trường để làm cho đời sống đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL ngày càng khấm khá hơn.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL