Đời sống của chính quyền

Nếu bắt hệ thống quan liêu phải "cảm" theo cách chúng ta "cảm" khi rút tiền ra, thì đơn giản là nó không được thiết kế cho việc đó.

Nó làm tôi nhớ lại chuyện này, một câu chuyện chưa bao giờ định kể ra. Bây giờ kể ra, nhưng hãy coi như một giả tưởng - không tên tuổi - ở một quốc gia giả tưởng trong một vũ trụ song song.

Năm nọ, một trận lũ quét qua một huyền miền núi, vùi xuống nhiều xác người và mái nhà. Đau thương lan tỏa. Nhiều đoàn tài trợ lớn tìm đến huyện miền núi ấy. Trên bàn họp trong Huyện ủy, họ đồng ý về mặt nguyên tắc với các gói tài trợ tái thiết. Họ quay về thủ đô, và bắt đầu tiến trình xin phê duyệt ngân sách, làm thủ tục tài trợ.

Trong đó có một nhà tài trợ xây lại trường học cho vùng tái định cư. Họ dồn xuống dự án nhiều tâm huyết - những thành viên lên khảo sát nhiều lần, lội qua những con đèo nắng gắt, với một đội ngũ không xoàng: nhà báo có tick xanh, kiến trúc sư có giải thưởng và cả kỹ sư nền móng, như thể đang xây nhà cho chính mình.

Dự án được xây. Mọi bên thế tưởng là giữ được nụ cười. Cho đến một ngày, một thành viên của nhà tài trợ lên kiểm tra công trình (điều hình như nằm ngoài dự kiến của chính quyền sở tại, vì nơi đó rất xa cho những chuyến kiểm tra liên tục). Anh phát hiện ra bên cạnh ngôi trường đang xây có một công trình đang đào móng.

"Đang xây cái gì đây?", anh hỏi những người thợ địa phương.

"Xây trường anh ạ", những người thợ chất phác trả lời.

Đó là một cảm xúc kinh hoàng - trong trí nhớ, xin lỗi, trong trí tưởng tượng của chúng tôi khi ấy - khi phát hiện ra rằng có 2 ngôi trường giống hệt nhau đang được xây cạnh nhau. Hóa ra có một nhà tài trợ khác cũng đã đồng ý tài trợ xây trường, và huyện đã nhận cả hai.

Họ dự định xây hai điểm trường giống hệt nhau cạnh nhau. Họ dự định sẽ tổ chức hai lễ khánh thành và mời hai đoàn dự riêng rẽ cho từng ngôi trường mình đã tài trợ.

Chính quyền gãi đầu, vì các nhà tài trợ đến sát nhau, chẳng biết ai sẽ thực sự chi tiền nên họ đã đồng ý hết. Rồi sau đó, chính quyền nói, vì nhà tài trợ nào cũng phải xin cấp trên phê duyệt rất lâu, nên đến khi các gói tài trợ được duyệt, bọn anh "không dám từ chối".

Họ dự định xây hai điểm trường giống hệt nhau cạnh nhau cho một cộng đồng chỉ có hơn trăm nóc nhà. Những nóc nhà rách rưới vừa dựng lại sau lũ. Và biết đâu đấy, trong một xác suất không nhỏ, chẳng ai phát hiện ra. Là đồng bào, họ có quyền tin vào sự quan liêu tương đương ở các đối tác. Niềm tin đúng một nửa: một trong hai nhà tài trợ đã không phát hiện ra vấn đề.

Sau này, nhà tài trợ (bên phát hiện ra sự kiện) buộc phải thỏa hiệp với chính quyền. Họ sẽ phải biến một trong hai công trình thành một chức năng khác (nhà văn hóa, nhà cộng đồng, thứ mà chẳng ai biết cộng đồng đó có cần không) để được giải ngân nốt.

Tôi đã nghĩ nhiều năm về câu chuyện này. Và tôi tự hỏi, nếu là mình (giả định tôi không có mặt trong câu chuyện này, vì đang giả định là chuyện giả định mà), thì mình sẽ làm gì. Tôi có thể tung hê lên, và tiêu diệt sự nghiệp chính trị của cái huyện ủy kia. Tôi ghét họ. Tôi bị phản bội cay đắng ở vào lúc đã dồn hết tâm can vào một việc - mà ngoài giúp đỡ cộng đồng kia, còn là loại công việc để cứu rỗi chính tôi khỏi sự đê hèn của cuộc sống này.

Nhưng tôi đã thỏa hiệp với sự hèn hạ đó. Tôi tự lập luận, chắc họ thực sự ấu trĩ thôi, không ai đi gây sự với những đơn vị có ảnh hưởng khác, hắt gáo nước lạnh vào các nhà tài trợ có tên tuổi và có thể hủy hoại sự nghiệp của họ. Chắc họ dốt quá thôi. Chứ không phải là họ cào cấu được mấy xu từ việc xây hai cái trường, và tham lam mấy đồng lẻ đến mức mất cả lý trí như thế đâu. Bỏ qua đi.

Và tôi gạt ngôi trường đó ra khỏi đầu.

Tôi sẽ không bảo bạn thử điền tên một huyện miền núi nổi tiếng vì bão lụt mà bạn biết và câu chuyện này. Vì làm thế, cũng chẳng để làm gì.

Hãy quay trở lại với câu chuyện của nhà tài trợ Đoàn Ngọc Hải. Kỳ vọng vào việc chính quyền địa phương phải "có tâm" theo cách các nhà từ thiện mong muốn là một kỳ vọng sai lầm. Họ đơn giản là một cỗ máy sinh ra để làm việc khác, có các ưu tiên khác, lợi ích khác, phụng sự các mục tiêu khác và được thưởng phạt bằng một hệ giá trị khác - không bao gồm "cái tâm" mà các nhà từ thiện định nghĩa.

Có lẽ là làn sóng hoạt động xã hội đã đủ phát triển để chúng ta nói thẳng, rằng hãy để chính quyền được sống đời sống của chính quyền. Hãy để hệ thống quan liêu được làm việc quan liêu. Việc tận dụng chính quyền như một cơ chế (machine) làm từ thiện giúp chúng ta, và chúng ta chỉ xuất tiền mặt thôi, là di sản của quá khứ. Hoặc là kết quả của một cơn lười, của niềm tin rằng việc rút tiền ra là đã ghê gớm lắm và người khác sẽ tự nguyện đi theo sự ghê gớm về mặt lương tâm này.

Nếu bắt hệ thống quan liêu phải "cảm" theo cách chúng ta "cảm" khi rút tiền ra, thì đơn giản là nó không được thiết kế cho việc đó.

Đã đến lúc xã hội nói chung và các nhà hoạt động nói riêng nghiêm túc nghĩ về việc thúc đẩy các cơ chế trong đó ta sẽ tự làm mọi việc - bao gồm cả việc thách thức các hàng rào theo kiểu "để chính quyền làm" - tự xây lên cái nhà tình nghĩa đó, tự xây lên cái trường đó, và chìa khóa trao tay. Đó tất nhiên là một câu chuyện dài và không thể giải quyết trong bài viết này. Nhưng tôi tin bạn bè tôi những người đang làm xã hội sẽ hiểu.

Cứ để chính quyền sống đời sống của nó. Và vì tôi đã học được cách thôi kỳ vọng, nên câu chuyện hai ngôi trường cạnh nhau sẽ mãi là chuyện giả định, và không tên.

Để kết, chắc là nên dùng lời của Ronald Reegan, tổng thống của một quốc gia nổi tiếng vì chính quyền mạnh và niềm tự hào về chính quyền đó.

"Những từ đáng sợ nhất trong tiếng Anh là: Tôi là người của chính quyền và tôi ở đây để giúp đỡ".

Đinh Đức Hoàng

Đinh Đức Hoàng