Giáo sư Đại học Oxford: 'Việt Nam đang ở vị thế may mắn trong Đổi mới Sáng tạo'

Giáo sư Soumitra Dutta là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 diễn ra từ ngày 18 - 21/12/2023 có sự tham dự của Giáo sư Soumitra Dutta. Giáo sư Dutta là thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture kể từ năm 2023. Ông hiện đang là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh).

Với tư cách là đồng sáng lập và nhà sáng lập của hai chỉ số uy tín là Chỉ số sẵn sàng kết nối mạng và Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu - Global Innovation Index, Giáo sư Dutta đã có những chia sẻ về đổi mới tại Việt Nam hiện nay.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn

- Thưa ông!Ông có nhìn nhận gì về những điểm mạnh của Việt Nam trong việc cải tiến công nghệ? Với kinh nghiệm của mình, ông có chia sẻ gì để đẩy mạnh các chỉ số này (Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu; Chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng) ở Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Nếu người ta nhìn nhận vấn đề tương lai thì hầu hết các nền kinh tế về Đổi mới Sáng tạo là vô cùng quan trọng. Hiện nay chúng ta thấy làn sóng thứ hai của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và đòi hỏi các quốc gia như Việt Nam cần phải đầu tư vào việc thúc đẩy các công nghệ mới. Hai chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu và Chỉ số Sẵn sàng kết nối mạng là vô cùng quan trọng để giúp các quốc gia có thể hiểu được thế mạnh và những điểm còn yếu của nền kinh tế trong việc sẵn sàng cho tương lai.

- Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ những quốc gia khác và có thể làm gì để thúc đẩy cả hai chỉ số này thưa ông?

Giáo sư Dutta: Việt Nam đang ở trong một vị thế rất may mắn khi có một đội ngũ nhân tài đông đảo, mạnh mẽ, tinh thần làm việc hết sức sẵn sàng. Các bạn cũng có một đội ngũ lãnh đạo rất khao khát và sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực phát triển công nghệ.

Việc thành lập Đại học VinUni hay Giải thưởng VinFuture là những ví dụ rất là điển hình cho việc khích lệ giới trẻ và các nhà khoa học của Việt Nam trong việc đầu tư nhiều hơn vào tương lai. Tôi cũng bổ sung thêm là vị thế địa chính trị của Việt Nam cũng giúp các bạn rất nhiều. Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn.

Với các ngành công nghiệp, Chính phủ cần phải tạo ra những điều kiện cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài giúp các nguồn lực sản xuất trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cần sẵn sàng phát triển, đổi mới và đầu tư nhiều hơn vào một xã hội tương lai của Việt Nam.

Giáo sư Dutta cho biết Việt Nam đang ở trong một vị thế rất may mắn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không ngừng đầu tư vào công nghệ

- Giáo sư có lời lời khuyên nào cho cải tiến công nghệ ở Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Lời khuyên của tôi là các bạn phải đầu tư và không ngừng đầu tư vào công nghệ vì công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Và, khi nghĩ về Đổi mới Sáng tạo và công nghệ thì chúng ta có thể nghĩ tới hai loại,

Một là, đổi mới được phát sinh từ nhu cầu thị trường. Nghĩa là khi thị trường có nhu cầu thì chúng ta có thể sử dụng công nghệ hiện tại để giải quyết. Điều này đang diễn ra ở rất nhiều các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển. Chúng ta sử dụng công nghệ hiện hữu đang có để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hiện nay.

Hai là, tạo ra một công nghệ mới. Đây là điều rất quan trọng bởi khi tạo ra công nghệ mới sẽ mở ra lĩnh vực mới cho nền kinh tế.

Muốn vậy, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và nó đòi hỏi cam kết rất là mạnh mẽ từ Chính phủ để đầu tư vào nguồn lực con người có chất lượng.

Giáo sư Dutta chia sẻ về việc đầu tư vào giáo dục đào tạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Là “cha đẻ” của Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu và Chỉ số sẵng sàng kết nối mạng, theo ông vai trò của 2 chỉ số đấy đối với các quốc gia ngày nay ra sao, làm cách nào để tăng vị thế, tăng xếp hạng quốc gia xét về chỉ số này, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam?

Giáo sư Dutta: Cả hai chỉ số này đều rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển cũng như là các quốc gia trong khu vực vì nó cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể về mức độ phát triển của một quốc gia theo nhiều chiều kích khác nhau. Bởi công nghệ rất rộng lớn, đổi mới sáng tạo cũng rất rộng nên phải có một chỉ số cụ thể nào đó để giúp cho người ta nhìn vào tham chiếu, đánh giá xem những hành động nào là cần phải thực hiện.

Đổi mới diễn ra ở trong toàn bộ xã hội, chứ không chỉ xảy ra trong lĩnh vực về khoa học công nghệ. Ví dụ như những nông dân không có bằng Tiến sĩ nhưng họ vẫn là những người có thể đổi mới sáng tạo.

Tương tự trong lĩnh vực điện ảnh hay truyền thông, có rất nhiều người cũng không phải các nhà khoa học nhưng mà họ cũng là những người rất sáng tạo.

Chính vì thế Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu cho phép các quốc gia và Chính phủ đánh giá các thành phần của nền kinh tế, của xã hội tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo như thế nào chứ không nhất định cần phải đánh giá về mặt học thuật thuần túy.

Giáo sư Soumitra Dutta đánh giá cao các đề cử của VinFuture năm nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Năm nay là năm đầu tiên ông tham gia với tư cách Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Ông đánh giá về các đề cử năm nay như thế nào?

Giáo sư Dutta: Giải thưởng VinFuture là một sự khích lệ rất là lớn đối với người dân, các nhà khoa học cũng như là doanh nghiệp của Việt Nam.

Chúng ta cần nhiều hơn về nghiên cứu phát triển, về những phát minh trong lĩnh vực công nghệ và những phát minh sáng tạo ấy cần nhiều hơn đến từ các quốc gia đang phát triển. Giải thưởng VinFuture như một điển hình cho việc khích lệ những sự sáng tạo, đổi mới đến từ các quốc gia đang phát triển. Các đề cử của năm nay rất tuyệt vời, nhưng tôi sẽ mong chờ nhiều hơn các cái đề cử đến từ chính Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)