Giới khoa học kêu gọi một cuộc điều tra nghiêm túc về nguồn gốc đại dịch Covid-19

Hôm 14/5, thông qua lá thư được đăng trên tạp chí Science, một nhóm các nhà khoa học đến từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, Anh và Thụy Sỹ, bao gồm Đại học Harvard, MIT và Cambridge, cho rằng, vẫn còn vô số thắc mắc chưa được giải đáp về nguồn gốc của đại dịch.

Theo nhóm nhà khoa học này, đến nay, lời giải thích hợp lý nhất vẫn là giả thiết “rò rỉ phòng thí nghiệm” và giả thiết SARS-CoV-2 xuất hiện trong tự nhiên, xuất phát từ động vật.

Giới khoa học tiếp tục kêu gọi thế giới điều tra thêm về nguồn gốc của Covid-19.

Đầu tháng 2/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố kết quả điều tra sơ bộ về nguyên nhân phát sinh đại dịch Covid-19, bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Để tiến hành cuộc điều tra, WHO đã cử các nhà nghiên cứu đến một số khu vực, nơi phát hiện ra những ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Vũ Hán. Họ không loại trừ khả năng SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm gần đó, nhưng giả thiết này rất khó xảy ra.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu của WHO, khả năng cao virus đã lan truyền từ động vật (như dơi) sang người, có thể thông qua vật chủ trung gian như loài tê tê.

Dường như kết luận của WHO chưa được công nhận rộng rãi. Một vài cuộc khảo sát cho thấy nhiều người Mỹ vẫn tin rằng virus SARS-CoV-2 là một loại vũ khí sinh học.

Tuy nhiên, những người khác, bao gồm cả Robert Redfield, Cựu Giám đốc của Trung tâm Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, lại cho rằng một phòng thí nghiệm nào đó đã vô tình để “xổng” virus và không hề có mục đích xấu.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ trích các giả thiết vô căn cứ, đồng thời cung cấp bằng chứng cho thấy cấu tạo của SARS-CoV-2 không giống một loại vũ khí sinh học.

Họ cũng chỉ ra rằng virus thường dễ lây lan giữa các giống loài. Do vậy, hoàn toàn có khả năng con người đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ động vật.

Nhóm tác giả của bức thư trên không tranh luận về những quan điểm này. Theo họ, còn quá sớm để đưa ra kết luận chính xác bởi cả hai giả thiết đều khả thi; khẳng định phải tiến hành điều tra công bằng mới có thể làm sáng tỏ nguồn gốc phát sinh Covid-19.

Bức thư có đoạn: “Chúng ta phải xem xét các giả thiết một cách nghiêm túc cho đến khi có đủ dữ liệu. Công tác điều tra phải minh bạch, khách quan, dựa trên dữ liệu và chuyên môn sâu rộng, chịu sự giám sát độc lập và được quản lý một cách có trách nhiệm”.

Dù vậy, họ cho biết, các cuộc điều tra cần thêm dữ liệu và bằng chứng để thực sự bác bỏ giả thiết về vũ khí sinh học.

Trong bài phát biểu bế mạc lễ công bố kết quả cuối cùng của nhóm điều tra viên hồi cuối tháng 3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cũng khẳng định sẽ triển khai thêm tiềm lực và ngân sách để mở rộng quy mô điều tra.

(theo Gizmodo)