Hòn Đất tiếp sức cho người dân thoát nghèo

Là một huyện thuần nông nên để nâng cao được thu nhập cho người dân, chính quyền huyện Hòn Đất cũng xác định nông nghiệp là động lực để tạo đà bứt phá cho huyện về kinh tế - xã hội, thúc đẩy giảm nghèo.

Tư duy mới trên cánh đồng cũ

Và thực tế cho thấy, dù nhiều ngành nghề, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng ngành nông nghiệp Hòn Đất vẫn đạt được những tín hiệu khả quan. Đặc biệt trong 3 năm 2021-2023, huyện luôn duy trì sản lượng lúa gạo chất lượng cao trên 1 triệu tấn/năm, đóng góp 1/4 sản lượng lương thực cho tỉnh và giúp Hòn Đất trở thành địa phương sản xuất lúa gạo chủ lực của tỉnh.

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân từ nông nghiệp, huyện Hòn Đất đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở phát huy những tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Huyện tiến hành rà soát, điểu chỉnh, bố trí các vùng sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng, gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, trạm bơm, đê bao… nhằm duy trì diện tích sản xuất lúa 2 vụ/năm gắn với liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông dân, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn.

Đến nay, Hòn Đất đã xây dựng được những mô hình sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn và có liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi nhuận cho người dân.

Tiêu biêu như mô hình cánh đồng lúa lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo tại HTX Nông nghiệp 422. HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và được hỗ trợ đầu tư 20 máy sấy lúa, công suất 500 tấn/ngày. Với tính khả thi trong sản xuất, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ của một số dự án để đầu tư là các tuyến đường, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng máy móc, vận chuyển lúa gạo. Đến nay, HTX Nông nghiệp 422 là một trong những đơn vị sản xuất hiệu quả, thu hút hàng trăm nông dân tham gia.

Sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn đang giúp người dân Hòn Đất nâng cao thu nhập.

Không chỉ HTX Nông nghiệp 422 mà tại những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, huyện Hòn Đất đã phát triển các HTX sản xuất lúa gạo, tổ chức ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu nhằm phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn, từ đó xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Đặc biệt, người nông dân huyện Hòn Đất giờ đây đã đổi mới tư duy, cách làm, không còn tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau"… Từ chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nông dân đã tham gia hầu hết mô hình cánh đồng lớn. Việc sản xuất đã được cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế. Người dân cũng mạnh dạn sử dụng những giống lúa mới cho năng suất cao hơn, hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu.

Tiêu biểu như việc người dân trên địa bàn huyện sử các giống lúa Nhật có thời gian sinh trưởng dài ngày, từ 110-120 ngày. So những giống lúa thơm dài ngày khác, lúa Nhật sinh trưởng và phát triển tốt, rất phù hợp với vùng đất phèn ở Hòn Đất. Lúa ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngả.

Ông Nguyễn Văn Thẩm (xã Lình Huỳnh) cho biết, mặc dù thời tiết có mưa dông, nhưng ruộng lúa của gia đình ông ít bị đổ ngả. Cây lúa khỏe nên cho năng suất cao, bình quân từ 1-1,2 tấn/công. So với vụ đông xuân 2021-2022, giá lúa Nhật vụ này tăng cao, trừ hết chi phí, ông lãi khoảng 3,5-4 triệu đồng/công.

Chuyển từ trồng lúa 1 vụ sang 2 vụ

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, người dân Hòn Đất còn chuyển từ sản xuất lúa 1 vụ sang 2 vụ để nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Cường (xã Nam Thái Sơn) cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, thâm canh, tăng vụ rất thuận lợi. Gia đình ông từ làm 1 vụ lúa mùa chuyển sang làm 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/năm, nhờ vậy ông có điều kiện xây nhà mới khang trang hơn và thoát cảnh nghèo khó.

Trước đây, Hòn Đất là vùng đất rộng nhưng phần lớn đất đai đều bị nhiễm phèn nặng, lại bị ngập nước hơn 2 tháng trong năm. Phần đất phía ven biển bị nhiễm mặn, chưa được người dân khai phá gây lãng phí. Sự khắc nghiệt của tự nhiên cũng gây trở ngại không nhỏ cho người dân Hòn Đất trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ giảm nghèo cũng khó đạt mục tiêu đề ra.

Đất đai nhiễm phèn nên trước đây, nông dân chỉ có thể làm 1 vụ lúa/năm, năng suất rất thấp. Vì vậy, huyện đã tạo điều kiện để người dân chuyển một phần diện tích trũng phèn nặng, không thể trồng lúa sang trồng tràm, bạch đàn, khóm… mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Huyện cũng đã đầu tư hệ thống đê biển, cống ngăn mặn, hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước tưới tiêu… góp phần tạo động lực để người dân khai phá vùng đất hoang hóa, trũng phèn trở thành vùng sản xuất lúa nông nghiệp trù phú.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Lê Văn Giàu cho biết, kết cấu hạ tầng, hệ thống thoát lũ, ngăn mặn, dẫn ngọt, xả phèn phục vụ sản xuất được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có nâng từ 1 vụ lúa lên 2 vụ/năm.

Việc trồng lúa 2 vụ/năm không chỉ giúp tận dụng tối đa đất sản xuất mà còn giúp người dân có thu nhập gấp đôi so với chỉ sản xuất 1 vụ như trước. Theo tính toán của ngành nông nghiệp địa phương, trung bình nông dân trồng lúa có lợi nhuận khoảng 1,3-1,7 triệu đồng/công (1.000m2). Còn đối với những hộ trồng lúa giống Nhật, sau khi trừ chi phí có thể thu lợi nhuận trung bình 71 triệu đồng/ha.

Tiếp cận chính sách giảm nghèo

Ngoài phát triển trồng lúa hàng hóa, nông dân Hòn Đất còn phát triển đa dạng các ngành nghề để nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như mô hình trồng khoai lang của HTX nông nghiệp Mỹ Thái, mô hình nuôi bò của Tổ hợp tác nuôi bò vỗ béo xã Mỹ Thái, hay mô hình của Tổ hợp tác xoài cát Hòa Lộc xã Thổ Sơn...

Để phát triển các mô hình kinh tế, huyện đã tạo điều kiện cho người dân, HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện hỗ trợ về cây-con giống tạo nền tảng cho người nghèo vươn lên.

Gia đình chị Thị Tư (xã Thổ Sơn) thoát nghèo năm 2022 là nhờ được hỗ trợ bò giống từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, gia đình chị đã có 2 con bò để phát triển kinh tế.

Ngoài hỗ trợ về vốn, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu và tiếp cận được các chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Đến nay, các chính sách, chương trình giảm nghèo được phổ biến, triển khai đồng bộ giúp người nghèo dễ tiếp cận, vận dụng phù hợp với điều kiện địa phương.

Khi người dân tiếp cận được với các chính sách giảm nghèo, kinh tế địa phương được phát triển thì thu nhập và đời sống của người dân Hòn Đất nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm chỉ còn 2,48%.

Năm 2024, huyện Hòn Đất tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Huyện tập trung các nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được các dịch vụ xã hội.

Huyện tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ giảm nghèo, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển mô hình sinh kế, dự án giảm nghèo theo hướng liên kết sản xuất với thị trường, tạo việc làm cho người nghèo, nâng cao thu nhập, tiếp cận với các dịch vụ xã hội…

Tùng Lâm