Hợp tác thương mại, kinh tế Việt Nam - Lào chuyển biến tích cực

Phương tiện chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam). Ảnh: Bích Nguyên

Tăng trưởng ổn định

Việt Nam và ào có chung đường biên giới dài hơn 2.330km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố mỗi bên, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ giữa các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam - Lào.

Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã tạo hành lang pháp lý với việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới (tháng 3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (tháng 6/2015). Hai bên cũng đã phối hợp hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào, đồng thời tiếp tục gặp gỡ, trao đổi giữa cơ quan chức năng hai nước, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào hàng năm để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.

Với những nỗ lực của cả hai nước, thương mại song phương Việt Nam - Lào đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2005, kim ngạch song phương Việt Nam - Lào mới đạt 165 triệu USD, đến năm 2022 đã tăng gần 10 lần, đạt 1,6 tỷ USD. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, thương mại song phương hai nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 18%/năm. Tính riêng trong 3 năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào duy trì ổn định. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 1,373 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, con số này là 1,63 tỷ USD, tăng 18,9% so với năm 2021. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón các loại, rau quả, quặng và khoáng sản.

Về đầu tư, tính đến năm 2023, Việt Nam có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,47 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD.

Cần có sự đột phá

Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và Lào đều cho rằng, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai khoáng, dược liệu, xây dựng, du lịch, ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển dự án nông nghiệp tại Lào, hợp tác điện gió...

Bộ Công thương nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước. Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào các mặt hàng đồ gia dụng, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng, máy móc và thiết bị công nghiệp, nông sản; dịch vụ du lịch, giáo dục... Ở chiều ngược lại, Lào có thể xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu lớn như cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, phân bón, khoáng sản, năng lượng...

Trung bình mỗi ngày, có khoảng 450-650 phương tiện chở hàng hóa được thông quan xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị). Ảnh: Bích Nguyên

Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam và Lào đã có nhiều cuộc gặp gỡ, hội đàm trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác. Tại Hội nghị đầu tư hợp tác Việt Nam - Lào vừa được tổ chức ngày 7/1/2024, bàn về phương hướng phát triển hợp tác thương mại, kinh tế song phương, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm hiểu, đầu tư vào Lào trong các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh, như nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, khoáng sản, năng lượng sạch...

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước là nhu cầu khách quan; có ý nghĩa chiến lược; cần ưu tiên thúc đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của mỗi nước, tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của tình hữu nghị vĩ đại và đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân và doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng cho rằng, hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới cần có đột phá. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane, tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu...

Đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào ngày 7/1, Chính phủ hai nước đã thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư. Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam. Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023. Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai bên cũng thống nhất các giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia "Một hành trình, 3 điểm đến". Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực. Hai Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận, cam kết, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bích Nguyên