Kinh tế số - không gian mới của tăng trưởng

Nhiều tiềm năng phát triển

Ngày 28.11, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số - cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số”.

Các diễn giả tại phiên thảo luận Hội thảo. Ảnh: Vũ Quang

Theo TS. Trần Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, các quốc gia, cơ quan và doanh nghiệp đang chủ động tích cực thích ứng và tận dụng tối đa những cơ hội chuyển đổi số đưa lại nhằm định hình tương lai của nền kinh tế và xã hội số. Các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình nguồn nhân lực tương lai cho kinh tế số và xã hội số. Giáo dục vừa là phương tiện chuyển đạt kiến thức, vừa là nền tảng để phát triển kỹ năng số, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Các diễn giả tại hội thảo cho rằng, chuyển đổi số đang trở thành yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số ở nước ta. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đều nhấn mạnh phải đổi mới tư duy và hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Kinh tế số gồm hai thành phần chính là công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) và kinh tế số từng ngành, lĩnh vực. GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tỷ lệ doanh thu ICT/viễn thông của các nước đứng đầu thế giới như Mỹ là 6,9%, Trung Quốc 7%. Việt Nam hiện ở mức 5,5%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 4,5%. Tuy nhiên, về doanh thu internet/nền tảng trong khi mức trung bình toàn cầu là 15,5%, Mỹ là 21,6%, Trung Quốc là 30% thì Việt Nam mới chỉ ở mức 1,7%. Đối với kinh tế số theo ngành/lĩnh vực, Việt Nam hiện ở mức 1,7% thấp hơn nhiều mức trung bình toàn cầu là 19%. Theo ông Đạt, không gian phát triển kinh tế số Việt Nam sẽ nằm ở các ngành, lĩnh vực là chính.

Toàn cảnh Hội thảo

Về số liệu giám sát, đo lường phát triển kinh tế số, năm 2022, tỷ lệ kinh tế số lõi ICT chiếm gần 65%, lan tỏa ICT trong các lĩnh vực khác đạt 35%. Tại nhiều nước phát triển, các tỷ lệ này tương ứng là 30% và 70%. Điều này cho thấy kinh tế số lan tỏa ICT trong các lĩnh vực khác còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo các chuyên gia, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số… Kinh tế muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Quan tâm văn hóa số

Ông Nguyễn Thạc Tâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, thành công của chuyển đổi số phải nằm trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề. Đồng thời, cần quan tâm đến văn hóa số - là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số. Trong công cuộc chuyển đổi số, không ai dám nói mạnh và cuộc đua về công nghệ đòi hỏi cần sự tỉnh táo để lựa chọn phù hợp với mỗi đơn vị. Để dẫn đến thành công không chỉ là bài toán công nghệ mà bài toán tổng hợp nhiều yếu tố khác để tăng sự cạnh tranh, tăng trải nghiệm của khách hàng.

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

Một điểm đáng chú ý, theo ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ, đó là chuyển đổi số không thể làm nhanh và cần một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về chính sách, cách làm việc với các công nghệ số trên môi trường thực số. Và trong thời đại công nghệ số, không phải dựa vào trực giác và kinh nghiệm mà cần dựa vào dữ liệu số được tích hợp, kết nối, chia sẻ, sử dụng, khai phá để từ đó đưa ra dự báo và các quyết định kinh doanh chính xác hơn.

Vũ Quang