Làm 'xế hộp' từ rác thải

Xe ô tô với nội thất chế tạo hoàn toàn từ rác tại Công ty TNHH Thanh Tùng 2. Ảnh: H.Lộc

Sản phẩm không chỉ có lợi về mặt môi trường và xã hội, mà còn rất hữu ích với cuộc sống.

* Nửa tấn rác cho mỗi chiếc xe

Người có ý tưởng chế tạo xe ô tô từ rác là ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng 2. Ông Hùng cho biết, vài tháng trước, ông tận mắt được xem một chiếc ô tô của Đức có một phần nội thất làm từ ác thải. Theo ông, các chi tiết làm từ rác thải của xe không cầu kỳ, không khác biệt so với những tấm ván ép, tấm cao su làm từ rác thải mà công ty ông đã xuất khẩu từ 3 năm trước. Thế là, ý tưởng làm xe ô tô từ rác được nhen nhóm.

Ông đặt mua động cơ, các thiết bị như đèn, bánh xe, vô lăng, những bộ phận còn lại và việc gia công chế tạo được thực hiện ngay tại nhà máy. Sau 20 ngày, xe ô tô “made by Thanh Tung 2” đã lăn bánh với vận tốc 40-50km/giờ. Ông Hùng chia sẻ, ông đã sử dụng những tấm ván ép từ rác làm nội thất, mua sắt thép tự làm khung xe. Khi các thiết bị đặt mua về đến nhà máy thì tiến hành lắp ráp.

“Sàn xe, ghế, khung xe trước, khung xe sau, mái che, thùng đựng đồ đều làm từ rác. Tổng khối lượng rác nhựa cho chiếc xe này khoảng 400-500kg” - ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ có nội thất, bình ắc quy của xe cũng là sản phẩm tái tạo. Theo đó, ắc quy khô, ắc quy nước từ những xe điện, xe ô tô, máy công nghiệp sau khi sử dụng công ty thu hồi và làm mới bằng công nghệ bắn xung điện của Australia.

Hiện nay, một doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn trên địa bàn tỉnh đã đặt vấn đề cung cấp động cơ chế tạo ô tô. Nếu thành công, sắp tới có hàng loạt xe thu gom rác trong thành phố, khu dân cư được làm từ rác. Ưu điểm của loại xe này là thùng xe được làm từ tấm ván nhựa nên không bị hao mòn bởi axit trong rác thải, giảm nước rỉ rác ra đường.

Tham vọng của công ty không chỉ có xe thu gom rác, xe chở khách trong các khu du lịch mà có thể là những chiếc “xế xịn” có chi tiết, nội thất hoặc nhiên liệu từ rác. Công ty sẽ làm các thủ tục đăng kiểm, đăng ký để sản phẩm được hoạt động nội bộ trong các khu vực nhất định.

* Bắt rác “đẻ” ra tiền

Ông Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thanh Tùng 2 cho biết, trước đây, rác công nghiệp như: vải da vụn, vụn đế giày, chai nhựa, nhựa công nghiệp tổng hợp… đều được xử lý bằng phương pháp đốt. Công ty đã hợp tác với một doanh nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức để được nhượng quyền công nghệ ép rác thải thành tấm ván nhựa. Cụ thể, rác thải được phân loại, làm sạch, băm nhỏ sau đó trải qua quy trình ép nóng để định hình thành tấm, rồi ép nguội để tạo nên những tấm ván có bề mặt nhẵn, độ cứng cao.

Bình quân 1 chiếc xe ô tô tái chế được làm từ 400-500kg rác thải nhựa, thời gian thực hiện khoảng 20 ngày, giá bán khoảng 60 triệu đồng.

Những tấm ván này, một phần công ty xuất khẩu sang châu Âu, phần còn lại được dùng làm ra hơn 30 loại sản phẩm nội và ngoại thất như: bàn ghế, giường tủ, gạch ngói, thùng đựng rác, xe ô tô… “Vì chúng tôi được các công ty trả tiền xử lý rác thải nên không quá áp lực chuyện kiếm tiền từ những sản phẩm này. Tuy nhiên, chúng tôi không ngừng nghiên cứu, tái chế, tái tạo các sản phầm từ rác bởi suy nghĩ của chúng tôi rác là tiền, càng kiếm được nhiều tiền từ rác thì càng góp phần bảo vệ môi trường” - ông Lộc tâm sự.

Được làm từ rác thải nhưng các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu không chứa hóa chất độc hại, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Tổng giám đốc Bùi Xuân Hùng chia sẻ thêm, việc sử dụng sản phẩm tái chế sẽ góp phần hạn chế khai thác tài nguyên (cây xanh, khoáng sản, kim loại), giảm lượng rác phải đốt hoặc chôn lấp.

“Những sản phẩm này có giá trị về mặt kinh tế, môi trường, xã hội và góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới Net Zero. Do đó, chúng tôi mong được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội đón nhận bằng cách phân loại và bàn giao rác đúng địa chỉ, sử dụng sản phẩm tái chế” - ông Hùng bày tỏ.

Hiện nay, tái chế, tái sử dụng chất thải cho các mục đích khác nhau là mục tiêu theo đuổi của cả thế giới. Việc làm này không chỉ góp phần giảm lượng rác thải gây hại cho môi trường, giảm khai thác tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, mà còn góp phần tạo ra sản phẩm, nguyên liệu mới cho các ngành sản xuất. Tại Việt Nam, từ ngày 1-1-2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì phải thực hiện trách nhiệm mở rộng là tái chế chất thải. Do đó, việc phát triển sản phẩm tái chế, tái tạo cần được khuyến khích để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hoàng Lộc