Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi: Sôi nổi, ấn tượng và đầy màu sắc

Tiết mục Hát dâng cúng lễ vật của Đồng Nai tham gia liên hoan. Ảnh: M.Ny

Không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị ĐCTT và bóng rỗi mà liên hoan còn góp phần liên kết hoạt động văn hóa nghệ thuật giữa các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam; giới thiệu và quảng bá du lịch Đồng Nai đến với bạn bè gần xa.

* Sôi nổi và nhiều màu sắc…

Mang đến liên hoan chương trình nghệ thuật với chủ đề Bản sắc quê hương, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Tây Ninh cho biết, các tiết mục biểu diễn vừa quảng bá hình ảnh quê hương Tây Ninh nói riêng, Nam bộ nói chung. Các trò tạp kỹ được tích hợp vào múa bóng rỗi, tạo cảm giác tò mò, thích thú cho người xem.

“Không khí của liên hoan rất sôi nổi. Các đoàn biểu diễn nhiều tiết mục độc đáo, ấn tượng, nhiều màu sắc. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong tổ chức liên hoan, kinh nghiệm trong tập luyện và biểu diễn ĐCTT và bóng rỗi. Mong rằng thời gian tới, Đồng Nai sẽ tổ chức nhiều liên hoan hơn nữa để các tỉnh, thành trong khu vực được về hội tụ, tham gia” - chị Trang chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho biết: “ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được hình thành trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca Nam bộ, phát triển trong quá trình khai hoang, lập nghiệp của người dân vùng đất phương Nam. ĐCTT Nam bộ là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Nam bộ. Cùng với ĐCTT, bóng rỗi cũng là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Sự ra đời và phát triển của nghệ thuật bóng rỗi đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân và mang một giá trị thẩm mỹ sâu đậm, thoát ra khỏi sự mê tín dị đoan”.

Là một trong những tài tử trẻ đến từ tỉnh Bình Thuận tham gia liên hoan, anh Nguyễn Hùng Dũng cho hay, anh chọn ĐCTT bởi từ nhỏ gia đình cho anh tiếp xúc với loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh rất yêu thích và đam mê. Tại liên hoan, anh thể hiện bài Ngũ đối thượng, tích An Dương Vương. Anh nói rằng, sân chơi ĐCTT và bóng rỗi khu vực Nam bộ đã giúp anh lan tỏa tình yêu các bài bản, thể điệu tài tử, cải lương đến với nhiều người.

Theo nghệ nhân bóng rỗi Kim Ngân (Đoàn nghệ thuật Đồng Nai), được tham gia liên hoan, chị cảm thấy rất hào hứng và hồi hộp. Đặc biệt, khi đứng trên sân khấu biểu diễn các tiết mục không chỉ là cách để chị thể hiện năng khiếu, tài năng nghệ thuật dân gian mà còn chia sẻ, quảng bá văn hóa của cha ông để lại. Lời hát rỗi do chị biểu diễn có nội dung ca ngợi, cầu mong những điều tốt lành cho cộng đồng. Chị mong muốn, những người trẻ sau khi xem biểu diễn bóng rỗi sẽ hiểu và yêu mến loại hình nghệ thuật này, bởi phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đến với liên hoan từ những ngày đầu, anh Châu Minh Tâm (hội viên Hội Di sản văn hóa TP.HCM) cho hay, các đơn vị đã chuẩn bị hàng chục tiết mục ĐCTT và bóng rỗi rất công phu. Không chỉ miền Đông Nam bộ mà nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ cũng tham gia như: An Giang, Bến Tre, Long An. Đây là những cái nôi của phong trào ĐCTT và bóng rỗi. Từ sân chơi, Ban tổ chức đã tìm ra được những nghệ nhân, tài tử triển vọng, những nhân tố mới, kế thừa và phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật ở địa phương.

* “Đặc sản” phát triển du lịch

TS Mai Mỹ Duyên, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, xét về loại hình, ĐCTT thuộc loại hình âm nhạc; bóng rỗi thuộc loại hình diễn xướng dân gian. Khi ghép 2 loại hình nghệ thuật này vào một chương trình của liên hoan, bà cho rằng đây là sáng kiến rất tốt của Đồng Nai, bởi nó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Năm 2013, ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Còn múa bóng rỗi cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Nếu theo dõi các liên hoan múa bóng rỗi thì có thể thấy loại hình nghệ thuật này xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, đặc biệt là của vùng đất Nam bộ.

“Vì sao lại nói như vậy? Là bởi vì bóng rỗi là loại hình diễn xướng thỏa mãn hai nhu cầu quan trọng của cộng đồng trong cúng miễu. Thứ nhất, là nhu cầu về tâm linh. Múa bóng rỗi có dâng lễ vật, mời chầu…, thể hiện tấm lòng, khát vọng của cộng đồng, mong muốn cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt, gia đình hạnh phúc ấm no. Thứ hai, múa bóng rỗi thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người. Những màn múa tạp kỹ được biểu diễn trong liên hoan rất thú vị. Chẳng hạn như múa trống, múa rót rượu, múa xe máy (xe honda). Điều này đòi hỏi người làm nghề phải luyện tập rất công phu và nhuần nhuyễn. Xét về mặt trình diễn, múa bóng rỗi xứng đáng được xem là một loại hình nghệ thuật” -
TS Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

Cũng theo TS Mai Mỹ Duyên, đây là lần thứ 2 Đồng Nai tổ chức liên hoan ĐCTT và bóng rỗi kết hợp. Vào năm 2017, bà tham gia Liên hoan ĐCTT và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai với tư cách Ban giám khảo.

TS Mai Mỹ Duyên bộc bạch: “Hai loại hình nghệ thuật ĐCTT và bóng rỗi rất cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống. Chưa kể 2 loại hình nghệ thuật này đều có thể phát triển một cách bền vững ở góc độ du lịch. Chúng ta có thể đưa ĐCTT và bóng rỗi kết hợp với nhau. Một khi bóng rỗi được công nhận là di sản, cùng với nghệ thuật ĐCTT sẽ trở thành “đặc sản” phát triển du lịch và thu hút du khách của Đồng Nai trong thời gian gần nhất”.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan khẳng định, vùng văn hóa Nam bộ có chung lịch sử hình thành và phát triển, chung đặc điểm về bản sắc văn hóa và tài sản văn hóa. Cho nên, khi tổ chức các hoạt động văn hóa, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ ngoài việc tổ chức các hoạt động của đơn vị mình còn tính đến các hoạt động liên vùng, chia sẻ chung. Liên hoan ĐCTT và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai năm 2023 mở rộng với sự tham gia của 8 tỉnh, thành phố đã và đang góp phần tạo nên không gian văn hóa ấn tượng, nhiều màu sắc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của công chúng trong và ngoài tỉnh.

Ly Na