Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triền bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Ngày 13/03, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; đại diện lãnh đạo các địa phương ĐBSCL các viện nghiên cứu, trường đại học; cùng đông đảo doanh nghiệp trong khu vực.
8 chữ G để phát triển ĐBSCL
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc vì sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G, đó là: Giao thông; Giáo dục; Giang; Gắn; Giàu; Giỏi; Già và Giới.
Cụ thể, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chữ G đầu tiên là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi, nhất là hệ thống cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, mở mang kinh tế cho người dân…
Chữ G thứ hai là Giáo dục. Đây vừa là chìa khóa vàng của phát triển bền vững, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Phải đảm bảo tất cả trẻ em đều được học hết phổ thông; giáo dục nghề đảm bảo cho người dân tiếp cận việc làm cơ bản; giáo dục trình độ cao là cơ sở để chuyển lên bậc cao hơn về năng suất, thu nhập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc vì sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”
Chữ G thứ 3 theo Thủ tướng chính là Giang. Là vùng có hệ thống sông ngòi đa dạng, ĐBSCL cần có chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế và vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản; hoàn thiện hệ thống giao thông, dịch vụ logistic…
Thủ tướng cho rằng chữ G thứ tư là Gắn. Tức là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, trong nước và các tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chữ G thứ 5 là Giàu. Đó là cần tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả đến đầu tư, làm ăn, sinh sống tại vùng. Muốn vậy các địa phương trong vùng phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện sống thuận lợi.
Chữ G thứ 6 là Giỏi. Vùng cần có chính sách phù hợp để thu hút được các nhân tài đóng góp, trí tuệ đối với sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”.
Chữ G thứ 7 là Già. Thủ tướng cho rằng đó chính là thách thức của già hóa dân số ở ĐBSCL, bởi tốc độ già hóa dân số ở vùng cao hơn bình quân chung cả nước và dân số già dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó vùng cần có chính sách chủ động cho vấn đề này, hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn.
Chữ G thứ 8 chính là Giới. Đó là phải thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Bên cạnh đó cần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và hoàn chỉnh các loại thị trường chủ chốt. Đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đạo tạo lại nguồn nhân lực một cách hiệu quả, đón đầu các xu hướng dịch chuyển sản xuất để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho người lao động thích ứng với thị trường.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh theo tình thần bền vững, hữu cơ, cùng phát triển; phát huy vai trò Hội đồng điều phối vùng. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ các đô thị trong vùng, quy hoạch lại dân cư; song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế để dành mọi nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.
Phát triển “thuận thiên” đã từng bước phát huy hiệu quả
Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, với tầm nhìn chiến lược và chủ trương phát triển “thuận thiên” đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.
Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách đất đai gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
Hội nghị quy tụ các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, đại diện Đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam, đại các tổ chức:
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 13 tỉnh, thành phố của vùng; đang thực hiện các thủ tục để triển khai lập quy hoạch tỉnh. Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng ĐBSCL; điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình biển đảo đến năm 2025 để thúc đẩy phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển, hải đảo; Hiện đại hóa thủy lợi vùng ĐBSCL; Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.
Cùng với đó Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình, cụ thể: Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018-2020 thực hiện tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ cho 44.811 hộ dân. Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.
Báo cáo tổng hợp 3 năm thực hiện Nghị quyết, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 16% so với cả nước, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 80 nghìn tỷ. Trung ương cũng đã bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn 2,5 nghìn tỷ để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm. Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 114 nghìn tỷ. Nguồn vốn ODA đạt 22 nghìn tỷ. Thu hút FDI đạt trên 14 tỷ USD.
Quang cảnh Hội nghị
Nhờ dự báo, cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn mặn 2019-2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, tuy nhiên nhờ sự chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với năm 2015-2016.
Chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 32 vùng trên phạm vi 7 tỉnh của vùng ĐBSCL gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng số 35 công trình khai thác có tổng lưu lượng khai thác 33.000 m3/ngày đêm, có thể cung cấp cho trên 333.000 người dân.
Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỷ đồng (tương đương trên 12 tỷ USD) được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.
Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Ngành công nghiệp đã bước đầu phát huy được hiệu quả chuyển đổi theo hướng gắn kết với tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất là hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp, tập trung vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thông qua thúc đẩy công nghiệp chế biến.
Vùng ĐBSCL đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình “Sinh kế thích ứng với BĐKH”…
Tại hội nghị các đại biểu đã phân tích những khó khăn tác động đến sự phát triển của vùng ĐBSCL như biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Khi các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công ngày càng phức tạp; cơ chế điều phối tiểu vùng khó phát huy được hiệu quả, Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi: thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà: Tình trạng thiếu nước, thiếu cát dự báo sẽ còn nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Trong bối cảnh các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng theo Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH cũng như Thỏa thuận Paris, do đó ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi trong tương lai gần.
Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển
Thời gian tới: Ưu tiên bố trí các nguồn lực, nhất là kinh phí cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển…phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân ĐBSCL giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ chia làm 3 nhóm dự án để tính toán đầu tư: Nhóm 1, đầu tư các dự án kiểm soát mặt, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhóm 2, đầu tư hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đinh cho người dân khu vực thường xẩy ra xâm nhập mặn; nhóm 3, đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Lắp đặt hệ thống giám sát độ mặn để phục vụ công tác dự báo
Một số giải pháp nhằm tăng cường việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo vào thực tiễn phát triển bền vững ĐBSCL: Đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát độ mặn, hiện đại, thông minh để nhanh chóng có thông tin chính xác phục vụ đắc lực công tác dự báo; đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không thể chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, bị xâm nhập mặn; tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp KH&CN đảm bảo nguồn nước lâu dài, cấp nước ngọt chủ động và hợp lý cho các vùng khan hiếm nước nhất là các vùng ven biển; sớm đưa vào ứng dụng thực tiễn các kết quả thành công của các nhiệm vụ KHCN về các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông thuộc chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng TNB…