Mỹ cáo buộc Su-35 Nga áp sát tiêm kích nước này ở Syria

Lầu Năm Góc hôm 20/4 công bố video do tổ hợp AN/AAQ-33 (ATP) gắn trên thân tiêm kích nước này cho thấy, chiến đấu cơ đa năng Su-35S Nga trang bị đầy đủ vũ khí hoạt động gần máy bay Mỹ trên bầu trời Syria.

Video đầu tiên được quay hôm 18/4 bằng hệ thống chỉ thị mục tiêu hồng ngoại trên tiêm kích Mỹ, khi phi cơ này làm nhiệm vụ ngăn chiếc Su-35S bay gần khu vực có lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria.

"Phi công Nga đã cơ động không chuyên nghiệp trong phạm vi 600 m quanh máy bay Mỹ, vi phạm quy trình giảm căng thẳng hiện có", quân đội Mỹ cho biết.

Đoạn video thứ hai được hệ thống chỉ thị mục tiêu của tiêm kích F-16 ghi lại hôm 2/4, trong đó tiêm kích Su-35S tiếp cận và ngăn chặn máy bay Mỹ.

Không quân Mỹ cho hay cuộc chạm trán xảy ra trong khu vực được hai bên coi là không phận do liên quân Mỹ quản lý trên bầu trời Syria.

"Phía Nga không thông báo trước về hoạt động của chiếc Su-35S. Hành động tiếp cận kém chuyên nghiệp và gây mất an toàn của phi công Nga thể hiện kỹ năng kém, có thể dẫn tới tính toán sai lầm và leo thang ngoài ý muốn", Lầu Năm Góc cho hay.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin được phía Mỹ cáo buộc.

Mỹ và Nga hồi năm 2019 thống nhất quy tắc sử dụng không phận Syria nhằm tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể làm gia tăng căng thẳng.

Hai bên đồng ý không để máy bay mang vũ khí bay trên đầu khu vực lực lượng của nhau.

Sukhoi Su-35 (định danh NATO: Flanker-E+, có tên cũ là Su-27M hay T-10S-70) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker.

Nguyên mẫu đầu tiên được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough (Anh) và trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995.

Sau đó, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5, theo đó, cải tiến giúp tăng khả năng mang vũ khí, độ cơ động, hệ thống điện tử.

Với 8 tấn vũ khí được tích hợp, trong chiến đấu ngoài tầm nhìn, Su-35 có thể sử dụng tên lửa R-77 Vympel, tên lửa R-27 tầm trung và tên lửa R-37 tầm xa, dùng để tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm (AWAC), tác chiến điện tử (EW) và tiếp liệu trên không.

Radar mảng pha bán chủ động IRBIS -E có khả năng quét 240°, khoảng cách dò tìm đạt 400 km với mục tiêu có RCS 3m2 và 90 km với mục tiêu có RCS 0,01m2.

Radar có thể theo dõi đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục và đồng thời tiêu diệt 4 mục tiêu trong số đó.

Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90 km.

Su-35 được đánh giá là dòng chiến đấu cơ nguy hiểm nhất trong biên chế của không quân Nga và là một trong những loại máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 mạnh nhất thế giới.