Ngày Tết tham gia giao thông ra sao để không bị xử phạt?

An toàn giao thông luôn là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, mỗi ngày vẫn xảy ra hàng trăm vụ tai nạn, làm chết và bị thương nhiều người. Hậu quả để lại là nỗi đau cho người thân, thêm gánh nặng cho xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân, song lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng nạn giao thông là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Theo ghi nhận, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trên các trục đường giao thông của Hà Nội vẫn dễ dàng ghi nhận được không ít vi phạm. Trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng tham giao thông khi đã uống rượu, bia, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; trẻ em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn diễn ra…

Ngày Tết, tham gia giao thông "quên" mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt nặng.

Việc tham gia giao thông thiếu an toàn nói trên, vô tình đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh, nghiêm trọng hơn cả là những hệ lụy mất người, mất của. Thông tin từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính riêng ngày mùng 3 Tết (12/2), toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 67 người. Ngoài ra, Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 11.468 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Trong số các trường hợp vi phạm, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, có 5.589 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2.691 trường hợp vi phạm tốc độ, 11 trường hợp dương tính với ma túy.

Được biết, Theo Điều 5, 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức lớn hơn 80 mg/100ml máu hoặc lớn hơn 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe máy. Ở mức này, với người điều khiển ô tô sẽ phải chịu phạt 30 - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Ngoài ra, một trong những vi phạm cũng khá phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán là việc không có giấy đăng ký xe khi tham gia giao thông; người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, người đi xe máy bị phạt từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng.

Nếu tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng, người điều khiển xe máy bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Người điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe máy bị phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng. Việc lái xe ô tô sử dụng điện thoại cũng sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, điều khiểu xe máy bị phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng…

Tại Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã có nhiều giải pháp nâng cao văn hóa giao thông, kéo giảm tai nạn. Cụ thể, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen "Đã uống rượu bia - không lái xe".

Hà Nội cũng thể hiện rõ quan điểm khi hướng tới việc xây dựng hình ảnh đẹp, mẫu mực của người cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô khi thực hiện tốt các quy định pháp luật, các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; chấp hành nghiêm việc không lái xe khi đã uống rượu, bia.

Khi cán bộ, công chức vi phạm sẽ bị xử nghiêm để làm gương và thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Từ đó, góp phần thúc đẩy được tinh thần tự giác, tinh thần nêu gương.

Ngày Tết, nếu uống rượu nhưng vẫn tham gia giao thông rất có thể sẽ phải chịu mức phạt 30 - 40 triệu đồng.

Theo Nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải Nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức, nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, chủ yếu liên quan đến 3 yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Trong đó, yếu tố con người là cốt lõi.

Nhà văn Nguyễn Văn Học cũng nhấn mạnh, văn hóa khi tham gia giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác các quy định pháp luật về giao thông, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.

Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động, như vượt đèn đỏ, dừng, đỗ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Đinh Luyện