Nguyễn Dữ bàn về nhà nho

Khổng Tử - người sáng lập Nho học. Ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Những lời dạy và triết lý của Khổng Tử đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, không phải nhà nho nào cũng thực hiện một cách tốt nhất những lời dạy của Khổng Tử. Ảnh internet

Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào nằm trong tập Truyền kỳ mạn lục. Cũng như nhiều truyện thần tiên ma quái mà ông viết, Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào nói về cảnh tiên giới, đồng thời luận bàn về những nhà nho.

Truyện kể về Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng (nay thuộc Hải Dương) có tính tình hào sảng, theo học thầy Dương Trạm. Trước đây, Tử Hư hay kiêu căng, nhưng từ ngày theo học thầy Trạm, Tử Hư sửa được và sống tốt lên, trở thành bậc chính nhân quân tử. Truyện kể về khoảng thời gian nhà Trần trị nước.

Khi thầy mất, các học trò khác đều không tỏ chút ơn với thầy, mà tản đi hết, riêng có Tử Hư “làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về”. Năm 40 tuổi, Tử Thư đi thi nhưng không đỗ, lên ở bên bờ Hồ Tây (Hà Nội).

“Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm”.

Thấy thầy mất chưa lâu, mà đã được vinh hiển như vậy ở cõi khác, nên Tử Hư hỏi, thì được trả lời: “Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng”.

Qua đoạn này, ta thấy Nguyễn Dữ ca ngợi sự tín thực đối đãi với mọi người, quý trọng chữ nghĩa. Lần gặp gỡ này, người thầy cũng nói với học trò vì sao chưa đỗ đạt, là vì Tử Hư lúc trước có tính kiêu ngạo, nên phải đỗ muộn “để phải chùn nhụt cài nết ngông ngáo đi”.

Thông qua lời giáo huấn của người thầy, Nguyễn Dữ có bàn sâu về nhà nho, về kẻ sĩ: “Cho nên xưa nay người ta bàn về kẻ sĩ, tất trước hết xét đến đức hạnh là vì thế. Ngày nay những người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho thì lại khác hẳn. Họ thường đổi họ để đi học, thay tên để đi thi; hễ trượt đỗ thì đổ lỗi mờ quáng cho quan chấm trường, hơi thành danh thì hợm mình tài giỏi hơn cả tiền bối, chí khí ngông ngáo, tính tình tráo trở, thấy thầy nghèo thì lảng tránh, gặp bạn nghèo thì làm ngơ, không biết rằng ngày thường dắt dẫn rèn cặp phần nhiều là cái công đức của thầy bạn. Vả như ta ngày xưa, dạy có đến mấy nghìn học trò, giao du ở kinh đô rất nhiều bè bạn thế mà sau ta mất, nghe có người đai vàng, mũ bạc, có người quan cả ngôi cao, nhưng không hề một ai tìm đến thăm viếng mồ ta mà tưới lên một vài chén rượu”.

Nguyễn Dữ đã lên án một số nhà nho dối trá, thay tên đổi họ để cầu công danh sự nghiệp; lúc không đỗ đạt thì đổ tại số trời. Khi có chút danh thì lên mặt ta đây, ngông ngáo tráo trở, quên đi ơn huệ của thầy bạn.

Và qua lời của Tử Hư, Nguyễn Dữ cũng bàn thêm về cách hành xử của một số người làm quan: “Ông mỗ ở ngôi trọng thần mà tham lam không chán, ông mỗ làm chức sư tư mà mô phạm không đủ, ông mỗ coi lễ mà lễ nhiều thiếu thốn, ông mỗ chăn dân mà dân bị tai hại, ông mỗ chấm văn mà lấy đỗ thiên vị, ông mỗ trị ngục mà buộc tội oan uổng; lại còn những người lúc thường bàn nói thì môi mép bẻo lẻo, đến lúc trù tính, quyết định kế lớn của quốc gia thì mờ mịt như ngồi trong đám mây mù, thậm đến không nói theo danh, không xét theo thực, không trung với đấng quân thượng, lớn thì làm việc bán nước của lưu Dự, nhỏ thì làm việc dối vua của Diên Linh”.

Sau những cuộc đối đáp giữa hai thầy trò, thì người thầy đã dẫn trò lên trời vãn cảnh, nhìn ngắm cảnh đẹp thanh bình mà trần gian không có được. Nơi đây chỉ dành cho những người sống có đức độ. Sau đó Tử Hư về lại trần gian, năm sau thì đỗ tiến sĩ.

Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào đã cho thấy ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Dữ. Ông thẳng thừng lên án những nhà nho rởm, những kẻ không lo tu rèn đức, mà chỉ chăm chắm đến công danh. Ông cũng lên án những ông quan tham lam, làm việc không có trách nhiệm, lẻo mép, thậm chí còn bán nước, dối lừa vua.