Nỗi lo từ những cống qua đê bị hư hỏng

Cống Nổ Đào trên đê hữu sông Cầu Chày đoạn qua xã Trường Xuân (Thọ Xuân) bị hư hỏng nhiều bộ phận.

Trên đê tả sông Chu đoạn qua xã Trường Xuân (Thọ Xuân), cống Ngọc Quang có 8 cửa, được xây dựng từ năm 1938, với vật liệu là bê tông cốt thép và đá. Tuy đã được sửa chữa nhiều lần nhưng gần đây liên tục xuất hiện những hư hỏng. Đợt lũ ngày 9-11-2018, khi nước sông dâng cao, tại dốc tiêu năng số 2 xuất hiện nhiều lỗ sủi rộng từ 1 đến 4cm. Ngày 13-8-2020, tiếp tục xuất hiện một bãi sủi 0,5 x 1m tại vị trí bể tiêu năng của cống, sau đó được địa phương xử lý tạm. Tháng 7-2021 vừa qua, trên bể tiêu năng cống tiếp tục xuất hiện bãi sủi nước trong từ phía đồng sang phía sông, chảy kèm theo cát, sau đó mới được xử lý tạm thời. Hiện mái kênh phần hạ lưu phía bờ hữu của cống đang có vết sạt lở dài 0,5m. Nếu gặp đợt mưa lũ lớn, chưa ai có thể khẳng định được tính an toàn của công trình có tuổi thọ hơn 8 thập niên này sẽ ra sao.

Cũng tại xã Trường Xuân, đoạn đê hữu sông Cầu Chày có tới 2 cống cũ bị xuống cấp, xuất hiện nhiều hư hỏng. Tại K16+140, cống Nổ Đào với 2 cửa, được xây dựng từ năm 1965, hiện gioăng cao su cửa cống phía sông bị hư hỏng, 1 ổ khóa phía đồng bị kẹt, cửa cống đóng không kín nên nước vẫn chảy qua, phần đá lát mái bờ kênh của cống cũng bị tróc lở. Cách đó không xa, cống Đồng Xốn tại K21+940 có đỉnh và cống bê tông xuất hiện vết nứt từ 1 đến 5mm, cống đã bị lùng mang, lùng đáy. Công trình thủy lợi 2 cửa được xây dựng từ năm 1992 này còn có tường cánh bị nứt rộng từ 1 đến 3cm, sân cống phía hạ lưu bị xói lở, mái kênh bị sập phần đá lát mới được tu sửa năm 2020.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn một công trình thủy lợi đáng lo ngại khác là cống Tiêu Thủy qua đê hữu sông Chu tại K18+450 thuộc địa bàn thị trấn Thọ Xuân. Hiện thân cống xuất hiện khe lún từ 3 đến 10cm, cánh cửa tự động phía sông và ti van phía đồng bị gỉ sét. Hiện cống không có phai phụ, cộng với hư hỏng nên không đáp ứng được nhiệm vụ tiêu nước khi có mưa lũ lớn. Hiện nay, huyện Thọ Xuân đã đưa 3 công trình cống nói trên vào danh sách trọng điểm đê điều để xây dựng phương án ứng phó sự cố trong mùa mưa bão 2022.

Tại huyện Vĩnh Lộc, hàng loạt cống qua đê tả sông Bưởi cũng hư hỏng, xuống cấp. Đoạn đê từ K16+580 đến K22+821 có cống tiêu số 1 Vĩnh Hưng, cống tưới số 1 Vĩnh Hưng, cống tiêu số 3 Vĩnh Hưng, cống tưới số 1 Vĩnh Phúc và cống tiêu số 6 Vĩnh phúc, đều xuất hiện hiện tượng rò rỉ khiến nước tràn qua cửa cống. Tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa), cống Chấn Long 1 cửa ở vị trí K35+310 trên đê hữu sông Mã đã xuất hiện tình trạng hư hỏng tại giàn đóng mở thượng lưu, bản lề rèm cống đã bị mòn và han rỉ. Do cống nằm dưới sâu với địa chất nền yếu nên có thể xuất hiện các sự cố ảnh hưởng đến đê. Trên đê biển xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), cống Phúc Ngư được xây dựng từ năm 1960, đã nhiều lần sửa chữa, nhưng đến nay, cánh cửa đóng không kín, trần cống bị hư hỏng, mang cống phía biển đã sụt lún. Trên đê hữu sông Lạch Trường cùng huyện, cống Bến Xuôi tại K6+298 thuộc địa bàn thị trấn Bút Sơn đã quá cũ kỹ, ống cống quá nhỏ khó tiêu nước.

Huyện Nông Cống có tới 3 cống hư hỏng trên các tuyến đê sông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trên đê tả sông Nhơm tại K31+500 thuộc xã Trung Chính, cống Hón hiện không còn phai dự phòng, bị thủng tường thân, lùng mang. Cống này do UBND xã Trung Chính quản lý nên ít có điều kiện tu sửa hay xây dựng mới. Trên đê tả sông Yên tại K6+883 thuộc xã Minh Nghĩa, cống Minh Châu cũng không có phai dự phòng, sân tiêu năng thượng và hạ lưu đều hỏng hoàn toàn, bị lùng đáy, lùng hai bên mang cống. Cống Tế Nông 2, xã Tế Nông tại K0+650 trên đê bao Tế Nông bị lùng mang, hai tường cánh gà phía sông bị đổ, ty ổ khóa bị cong vênh...

Để bảo đảm an toàn tạm thời cho các công trình cống qua đê, từ đầu mùa mưa bão 2022, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đã có văn bản hướng dẫn kỹ thuật xử lý các sự cố, như đùn sủi bùn cát, xử lý sự cố rò rỉ, sạt trượt.

Bài và ảnh: Linh Trường