Phố ông đồ

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

Từ hơn hai nghìn năm nay, đạo Nho đã thực sự thành một phần quan trọng không thể phủ nhận trong văn hóa, xã hội và nhất là nền thơ ca trung đại Việt Nam. Nho gia đã đồng hành với dân tộc Việt qua bao đoạn bao thăng trầm, qua bao ải biến binh của lịch sử.

Không giống như Kinh Kha dẫu giày cỏ gươm cùn vẫn hí gió yên cương tráng sỹ. Còn Đồ xưa là kẻ sĩ lỗi mùa trong một buổi cờ tàn đem cái tài được ngợi khen tấm tắc đổi lấy cuộc mưu sinh chẳng phượng múa rồng bay.

Cái thứ tài để trưng diện để kiêu hãnh, để cho tặng, dẫu mỗi năm mỗi vắng thì đã bi kịch biết bao lần thảo mướn múa thuê. Và, hoa đào là một chứng nhân bất đắc dĩ cho một kẻ không thể bất đắc chí.

Dẫu vậy thì hình ảnh Đồ xưa trong tôi vẫn nườm nượp phố phường cảm giác bút nghiên kệ mực như là đàn tế trời gọi hồn xuân về từ những mạch ngầm trong đất mà vươn ra, mà tan chảy vào nghiên sầu thơm thảo, rồi thì múa rồi thì bay rồi thì tấm tắc trên những mực tàu giấy đỏ quốc túy quốc hồn.

Đồ xưa quả thực là một biểu tượng đẹp! Vũ Đình Liên đã bạo gan gieo vào lòng biết bao thế hệ cái di tích đáng thương của một thời tàn.

Nhưng đáng mừng thay người Việt vốn đắm đuối truyền thống nâng niu bản sắc hình hài. Những hội chữ vẫn âm thầm như những mạch ngầm thanh sạch cứ róc rách chảy về mỗi tiết xuân. Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, hay cả những nơi tỉnh lẻ, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông đồ. Những giá trị văn hóa truyền thống đã thăng hoa trong mỗi tâm hồn người Việt để trở thành một thứ quốc ngữ thư pháp. Còn gì đẹp hơn thế?

Em đi giữa phố, ai đi bên phố, tôi trôi dòng phố. Những nỗi mơ màng từ lòng tôi nhen nhóm vươn lên, hồn chữ bay chữ, hồn văn bay văn, hồn người tề tựu mà uy nghiêm cốt cách phố phường.

Tôi cũng như nhập hồn vào chữ, thấp thoáng bút nghiên du mình vào không gian Tràng An mà thênh thang Hồ Văn Hà Nội. Sổ một nét dài tôi chạy đến Văn Miếu Môn nhập đạo, thấy mái vòm cong cong mà tưởng dấu hỏi nghe như tiếng thở dài dân tộc.

Tôi co chân mà đẩy một nét hoành, mưa bụi lây phây, mực chìm mực nổi, tôi bồi hồi đã ở Đại Trung Môn. Như đâu đây nghe vọng về nỗi tủi hờn sĩ tử, lều chõng bộn bề, kinh kệ đường xa người quê. Tả môn hữu môn bóng người khăn áo, bóng gió hư huyền, ngước lên tôi chỉ thấy chữ Nhân, như tụ khí mà ngự đó bao đời.

Khua tay buông một nét phiết, ngoảnh mặt, kỳ lạ thay tôi đã ngả mình đáp xuống Khuê Văn Các. Từ hai cửa Đạt Tài và Thành Đức ở hai bên cửa Đại Trung, hai con đường nhỏ hơn song song chạy thẳng với con đường chính giữa. Không gian tịch mịch, thời gian u minh, bóng người sáng tối, bóng chữ tỏ mờ, giữa thực giữa mơ trầm hương như một đường tơ. Nhìn sâu nữa vào trong chỉ thấy những gương mặt chú Tễu nhoẻn người, xanh đỏ tím vàng, môi dày môi mỏng, cho đến khi chạm vào một bức tường trong veo như hạt mưa tôi ngơ ngác thấy một chữ Văn.

Ngoắc tay ra một nét câu hồn tôi đã chu du tới trời Nam ấm áp, hoa mai thấm tháp sắc vàng mà tô vẽ con đường Phạm Ngọc Thạch, nào câu đối, nào khăn xếp áo the. Phố ông đồ còn được xen kẽ với những gian trưng bày của làng gốm, làng mây, làng hương, làng vải. Lụa là, gấm vóc, kiêu sa...

Nhẹ tay đưa một nét điểm, tôi đã ngang qua Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, chạnh buồn nhớ tới người bạn Hoa Nghiêm. Thư pháp gia Hoa Nghiêm tên Ung Tự Do pháp danh Thị Tùng, sinh năm 1984 tại Quảng Nam anh sống và làm việc tại TP.HCM, qua đời ngày 20/12/2017. Sự ra đi của Hoa Nghiêm để lại bao nhớ thương day dứt trong lòng người thân, bè bạn, học trò và những người yêu thư pháp, trong đó có tôi.

Thư Pháp Hoa Nghiêm tinh tế, viên mãn, thế sự ẩn chứa sự thanh tao hồn Việt. Đời một con người cũng chỉ dám ước ao là một thứ thanh tao như thế.

Bóng ngày hay bóng đêm, bóng đêm hay lòng tôi đêm? Hoa Nghiêm nhìn tôi, một nụ cười Tự Do. Không gian im bặt, chớp mắt không thấy dáng người, chỉ thấy trên nền trời tàng thư chữ Đợi…

Giờ thì tay tôi múa hay lòng tôi múa, những nét bút cứ khua lên khắc khảm vào mắt tôi, vào tình tôi, vào hồn tôi. Bối rối. Những con phố ông đồ như những người muôn năm cũ mà gìn giữ những ngọn lửa văn, những ngọn lửa tâm, những ngọn lửa nhân. Và tôi hiểu rằng một ngọn lửa cho chữ Đợi cũng thỏa đáng lắm thay.

Ông đồ lại tạc tượng vào phố lại hóa thạch bút nghiên. Trong gió cười, trong đào nở và cơ hồ bụi mưa, trong nắng chín, trong mai vàng và cơ hồ chim muông ríu rít, mùa xuân quê hương ca tụng cuộc hôn nhân thánh thần Quốc Ngữ Thư Pháp. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu, ở đâu, ở đâu...

Hồ Huy