Phóng sinh hại cá, hại môi trường

Vì thả cá không phù hợp nên nhiều con đã chết do thiếu ôxy, tổn thương, sốc nhiệt, gây ô nhiễm dòng nước.

Cùng với việc phóng sinh, tình trạng nhiều người đem tro, chân nhang thả xuống sông làm bụi bay mù mịt, ảnh hưởng người tham gia giao thông.

Phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn, ta ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, ta bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng.

Người dân phóng sinh tại sông Đồng Nai, đoạn trên đường phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Phóng sinh là việc làm thể hiện lòng từ bi bình đẳng, tâm không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình. Tuy nhiên, việc làm tốt đẹp này đang ngày càng mất đi nét đẹp. Việc phóng sinh chim, cá theo vòng luẩn quẩn: người bắt, người thả, thả rồi lại bắt... khiến cho con vật chết dần chết mòn. Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật. Việc phóng sinh không đúng cách còn gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.

Vậy nên phóng sinh là phải nhanh chóng đưa những con vật thoát khỏi cái chết, trở về với môi trường sống của chúng một cách an toàn, tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Việc này đòi hỏi phải làm đúng cách, đúng môi trường sinh sống phù hợp và bảo đảm cân bằng sinh thái khu vực đó. Nếu không thể phóng sinh đúng cách, đúng ý nghĩa thì không phóng sinh sẽ tốt hơn. Chỉ cần "tâm an vạn sự an", thay vì phóng sinh hãy bảo vệ sự sống của các loài sinh vật.

Bài và ảnh: Hoàng Thái Hùng