Sản lượng hồi tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ vi sinh

Với sản lượng 3.150 tấn hồi khô, huyện Bình Gia thu về 350 tỷ đồng cho người trồng hồi của huyện. Ảnh: Ái Vân

Bình Gia có gần 8.600ha cây hồi, tập trung chủ yếu tại các xã Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Thái, Hồng Phong, Tân Văn và thị trấn Bình Gia... Sản lượng hồi khô trung bình đạt 2.500 tấn mỗi năm, riêng năm 2022, sản lượng đạt trên 3.150 tấn. Doanh thu từ hồi đem lại thu nhập cho người dân huyện Bình Gia khoảng 350 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, sản lượng hoa hồi các năm không ổn định, được mùa một vụ thì ba đến bốn năm sau mới lại được thu hoạch. Nguyên nhân do người dân trồng hồi theo kiểu truyền thống, không thực hiện việc chăm sóc, bón phân, chỉ phát thực bì, dây leo quanh gốc hồi. Do vậy, nhiều diện tích hồi bị bệnh thán thư (bị rụng lá, rụng quả non), thiếu dinh dưỡng..., ảnh hưởng đến năng suất và tuổi thọ cây hồi.

Trước thực trạng đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện Bình Gia, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương, triển khai mô hình “Ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi”. Mô hình được thực hiện trong 3 năm, từ 2020 đến 2023. Từ diện tích thực nghiệm trên 4ha của 5 hộ có cây hồi ra hoa nhưng không đậu quả hoặc đậu quả ít tại xã Tân Văn, sau 3 năm triển khai, sự khác biệt giữa trồng cây truyền thống và ứng dụng giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi ở Bình Gia đã có kết quả rõ rệt.

Bà Lưu Kim Ngân, ở khối phố Ngọc Trí, thị trấn Bình Gia cho biết: "Gia đình tôi có 3ha hồi mới trồng, năm nay cho thu hoạch lứa đầu tiên. Năm 2021, với diện tích hồi trên, tôi tham gia thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ của huyện. Gia đình tôi được hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn cặn kẽ quy trình kỹ thuật bón phân vi sinh đúng kỹ thuật, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lá và chống rụng quả kịp thời theo từng giai đoạn. Sau hơn 3 tháng ứng dụng, cây hồi đã phát triển khỏe hơn, lá xanh và dày hơn, hạn chế sâu bệnh gây hại, không còn rụng lá và quả như trước đây. Đặc biệt, cây hồi sản xuất theo hướng hữu cơ có tỷ lệ đậu hoa cao hơn từ 15-20% so với những năm trước. Năm nay, tôi thu được khoảng 120 triệu đồng cho lứa hồi đầu tiên".

Tiến sĩ Bùi Văn Dũng đang thực nghiệm tại rừng hồi huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ái Vân

Anh Hoàng Xuân Vinh, ở thôn Nà Tàn, xã Thiện Hòa cho biết thêm, với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật khôi phục và phát triển cây hồi do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia triển khai, được hỗ trợ nguồn phân bón của dự án, anh đã áp dụng từ cuối năm 2022 cho khoảng 10ha rừng hồi của mình, đến nay đã thực sự thấy được hiệu quả, cây phát triển khỏe mạnh, sản lượng hoa hồi vụ mùa năm nay tăng từ hai đến ba lần các vụ trước. Cụ thể, anh Vinh đã thu hoạch được hơn 30 tấn hồi tươi, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng cho gia đình.

Ông Nông Ngọc Hậu, xã Tân Văn chia sẻ: "Tham gia dự án của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi mang phân hữu cơ vi sinh về bón thử. Ban đầu, tôi chưa tin lắm, nhưng về sau, thấy cây hồi phát triển rất tốt. Trước đây, cây hồi lá vàng và thường xuyên rụng lá, nhưng khi bón phân, phun chế phẩm sinh học Bio vào cây hồi đã xanh trở lại, tôi phấn khởi lắm. Sau khi tôi làm thử, cả 3 vụ đều sai quả trĩu cành, vụ tứ quý cũng sai trĩu cành, tôi thấy thích lắm".

Với các giải pháp, quy trình kỹ thuật mà dự án đã thực hiện như: Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học để chống bệnh thán thư trên cây hồi, đậu quả, đã tạo ra năng suất, chất lượng tốt, đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng được cho thị trường xuất khẩu.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, huyện Bình Gia có 171ha hồi sản xuất theo tiêu chuẩn bón phân vi sinh, hiệu quả tăng gấp đôi so với trồng hồi truyền thống. Đây là kết quả vượt hơn sự mong đợi của dự án mang lại cho người trồng hồi của huyện Bình Gia.

"Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện dự án “Ứng dụng một số giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi” tại huyện Bình Gia đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi. Trong thời gian tới, với việc nhân rộng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật khôi phục và phát triển cây hồi trên địa bàn toàn huyện, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tích cực của địa phương, góp phần xây dựng huyện Bình Gia phát triển kinh tế nhanh, bền vững" - bà Hoàng Thị Anh nhấn mạnh.

Từ hiệu quả của dự án, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia đã triển khai nhân rộng thêm ở các địa phương có vùng hồi tập trung là xã Minh Khai, xã Thiện Thuật và thị trấn Bình Gia, gồm 15 hộ, diện tích khoảng 11,2ha, kinh phí thực hiện gần 310 triệu đồng thuộc nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện, trong đó, vốn người dân đối ứng 174 triệu đồng...

Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để khôi phục và phát triển cây hồi trên địa bàn, để vùng hồi Bình Gia phục hồi và phát triển, mang lại thu nhập bền vững cho người dân. Tổ chức các lớp tập huấn, thăm mô hình thực nghiệm của dự án để nhiều hộ dân trồng hồi trên địa bàn huyện Bình Gia được học tập, chăm sóc rừng hồi theo đúng quy trình kỹ thuật để hồi cho sản lượng cao hơn.

Tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Cây trồng, Viện Bảo vệ thực vật Trung ương cho biết: "Năm 2012, tôi được giao chủ nhiệm chương trình nghiên cứu cây hồi Lạng Sơn. Qua nghiên cứu khảo sát tại các vùng hồi xứ Lạng, tôi nhận thấy, bà con không chăm sóc, bón phân cho cây hồi và hiện tượng cứ 4 năm hồi mới sai quả 1 lần, hiện tượng hồi rụng lá, rụng quả rất nhiều, rồi cây hồi sai quả vụ năm nay thì 2, 3 năm sau đó lại chết. Tôi đã nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm các giải pháp để khắc phục những hiện tượng trên. Đến nay, đã thu được kết quả tốt, cây hồi khi thực hiện quy trình đã xanh tốt, tỷ lệ ra hoa, quả đã tăng từ 80% trở lên, cá biệt, có những cây tăng năng suất đến 200%".

Ái Vân