Tạo sức hút cho thị trường âm nhạc Việt

Khán giả nghe nhạc “chùa” quá nhiều

“Trước khi làm các chương trình biểu diễn âm nhạc của nghệ sĩ nước ngoài, tôi chưa để ý ngành công nghiệp âm nhạc giải trí của Việt Nam ra sao, cứ nghĩ đơn thuần tổ chức một show bán vé, có tiền tài trợ, mang được sản phẩm âm nhạc đến cho công chúng. Cho đến khi làm show nghệ sĩ nước ngoài lại là câu chuyện khác. Đối tác nước ngoài có hàng trăm câu hỏi về thị trường, công chúng, lứa tuổi thích nhạc của họ, văn hóa nước sở tại, phương pháp bán vé...” - ông Phan Khôi - Giám đốc Marketing Công ty CP Bitexco - người đã đưa hàng loạt chương trình âm nhạc nổi tiếng về Việt Nam chia sẻ trong cuộc trò chuyện trực tuyến “Để sống sót trong ngành giải trí” tối 29.8.

Tăng sự chuyên nghiệp để tạo sức hút cho thị trường âm nhạc Việt. Ảnh: baogialai.vn

Làm việc với nghệ sĩ nước ngoài dần thấy rõ hơn về thị trường âm nhạc Việt Nam. Ông Phan Khôi chia biết, đã có những ban nhạc từ chối đến Việt Nam biểu diễn vì đánh giá thị trường âm nhạc Việt Nam yếu. Các ban nhạc nổi tiếng ít khi chọn Việt Nam trừ khi tham gia các biểu diễn mang tính giao lưu văn hóa, hoặc ban nhạc đã qua thời hoàng kim, nhưng họ lại chọn Thái Lan, Phillippines, Singapore...

Theo ông Phan Khôi, thị trường âm nhạc Việt Nam chưa tạo ra được đời sống âm nhạc đúng nghĩa. Khán giả nghe nhạc “chùa” quá nhiều. Việc bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc chưa được coi trọng, khán giả chưa có thói quen trả tiền mua sản phẩm âm nhạc, kể cả sản phẩm số; việc bỏ tiền mua vé xem sản phẩm âm nhạc không phổ biến. Chẳng hạn, tổ chức các show lớn như của ban nhạc pop-rock Maroon 5, nếu diễn ra ở Sân vận động Mỹ Đình, giá thấp nhất phải 5 triệu đồng/vé, liệu có nhiều người bỏ tiền ra mua vé không? Trong khi đó, Philippines là điểm dừng tour tương đối yêu thích của nghệ sĩ nước ngoài. Dù người dân nước này không có thu nhập cao như Thái Lan, Singapore, nhưng khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm âm nhạc, tôn trọng bản quyền, nên được nghệ sĩ quốc tế đánh giá cao.

Bên cạnh đó, năng lực của các nhà tổ chức biểu diễn ở Việt Nam cũng chưa thuyết phục được các nghệ sĩ quốc tế. “Khi tổ chức show của nghệ sĩ Kenny G, một trong những yêu cầu của ông là có bàn Mixer Yamaha rất cổ. Chúng tôi lục tung Việt Nam, Singapore, cuối cùng phải đưa từ Nhật về. Với một nghệ sĩ saxophone, yêu cầu như vậy chưa phải là quá nhiều” - ông Phan Khôi cho biết.

Còn có các vấn đề khác như năng lực để kết nối tour, tiếp thị của Việt Nam còn yếu. Ở Thái Lan, Singapore có nhóm, công ty, hiệp hội liên kết tốt với các trung tâm âm nhạc lớn của thế giới, có nhiều mối quan hệ để book được show, tour. Ở Việt Nam chưa có mạng lưới như vậy, và thiếu thông tin, khiến nghệ sĩ e ngại. Ngoài biểu diễn, các nghệ sĩ còn xem xét có thể bán được sản phẩm âm nhạc sau đó không, trong khi điều này ở Việt Nam chưa được đánh giá cao... Mặt khác, có sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận âm nhạc giữa hai miền, gu âm nhạc phân hóa, đặt ra thách thức để một sản phẩm âm nhạc thỏa mãn đông đảo khán giả...

“Thông qua việc hợp tác với các đoàn lưu diễn của nước ngoài, tôi đánh giá đời sống âm nhạc ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp, lành mạnh, mọi người chưa sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm âm nhạc mình yêu mến” - ông Phan Khôi đánh giá.

Có bột mới gột nên hồ

Làm nhạc lâu năm, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Anh Quân cho rằng, nghệ sĩ lớn trên thế giới chỉ đi tour khi ra mắt sản phẩm mới. Họ luôn tạo được sự háo hức cho công chúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam khó mời ban nhạc nước ngoài diễn, ngoài việc họ sợ chúng ta không tôn trọng bản quyền, còn có lý do là họ đánh giá Việt Nam không nằm trong dòng chảy âm nhạc của thế giới. Có những nghệ sĩ đang ờ thời đỉnh cao, giành giải Grammy, Billboard, nhưng hầu như khán giả ở Việt Nam không biết tới. Những gì thế giới nghe, chúng ta chưa nghe...

Để thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển và đủ hấp dẫn nghệ sĩ quốc tế tới biểu diễn, vấn đề bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc được những người trong nghề đặt ra vô cùng bức thiết. “Ở nước ngoài, bản quyền được tôn trọng, bảo vệ được những gì nghệ sĩ sáng tạo ra: bài nhạc không bị copy và bán lậu, nghệ sĩ được trả tiền minh bạch khi bài nhạc được phát ở bất kỳ địa điểm kinh doanh nào, nên họ đủ sống bằng tiền bản quyền. Trong khi đó, ở Việt Nam, mất sản phẩm vật chất được quan tâm, nhưng mất sản phẩm trí tuệ thì không mấy người để ý” - nhạc sĩ Anh Quân so sánh.

Những người trong ngành cho rằng, ở Việt Nam cần nhiều nỗ lực để có thể xây dựng ngành công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa. Trong đó, có ý thức, hiểu biết của công chúng về âm nhạc và tôn trọng tác quyền, cùng với hạ tầng, thể chế phù hợp. Các yếu tố trên đồng bộ, công nghiệp âm nhạc mới phát triển, nhưng đây là bài toán lâu dài. Việc đầu tiên phải giải quyết là vấn đề bản quyền, để thúc đẩy sáng tạo. Đồng thời, tiếng nói từ phía người làm nghệ thuật đủ lớn, để định hướng rõ nét hơn bản sắc thị trường. Tập trung giáo dục nghệ thuật, giúp đời sống nghệ thuật Việt Nam nằm trong dòng chảy nghệ thuật thế giới...

Sức hút với nghệ sĩ quốc tế được tạo nên từ sự phát triển nội tại của thị trường âm nhạc trong nước. “Hiện nay, tư duy về thị trường của các nghệ sĩ trẻ đã khác, họ cũng có khao khát hòa vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Nếu được sự hỗ trợ về luật pháp, từ các nhà tổ chức, sản xuất có chuyên môn, từ các nhà đầu tư quan tâm đến nghệ thuật đầu tư dài hạn để tài năng trẻ được làm nghề một cách đúng nghĩa, thì chúng ta sẽ có tương lai tốt. Phải bắt đầu từ sản phẩm tốt. Có bột mới gột nên hồ. Có nền âm nhạc hay thì sẽ có các bước tiếp sau” - nhạc sĩ Anh Quân nhận định.

Thảo Nguyên