Thanh niên sáng tạo vượt khó

Anh Hà Văn Cương với mô hình nuôi dê cho thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung, Đắk Nông nói riêng, nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực vượt khó, có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Hán Xuân Trường, người dân tộc Tày, sinh năm 1990 được người dân thôn Nam Ninh, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, biết đến là một chàng thanh niên năng động, vượt khó, thắng dịch để thành công với mô hình nuôi dúi, đem lại mức thu nhập khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy địa phương có nguồn thức ăn dồi dào, dúi rừng ngày càng bị khai thác cạn kiệt, trong khi đó nhu cầu thị trường dúi thịt và giá cả tăng cao, năm 2011, Hán Xuân Trường mạnh dạn đầu tư năm triệu đồng thu mua 40 con dúi giống do người dân đào được từ rừng về nuôi. Những ngày đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm bắt được kỹ thuật nên dúi phát triển chậm, thậm chí còn bị chết cả con giống; trong quá trình ghép đôi con đực và con cái để nhân giống sinh sản cũng không thành…

Nhân giống thất bại khiến việc nuôi dúi của Trường trở nên bế tắc. Không nản chí, Trường đã lên in-tơ-nét để học thêm kiến thức, kỹ thuật, cách nuôi dúi từ các trang trại khác với quyết tâm thuần phục và phát triển bằng được “đặc sản” dúi rừng. Khi đã tích lũy được vốn kiến thức, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm dúi giống về nuôi, trồng thêm các loại thức ăn giàu dinh dưỡng để bảo đảm cho dúi phát triển. Với phương châm vừa học vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, Trường đã tuyển lựa những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản. Sau hai năm, mô hình nuôi dúi của Trường đã thành công ngoài mong đợi, dúi rừng đã được thuần hóa, nhân giống thành công, liên tục tăng đàn và phát triển tốt. Hiện nay, Trường đã mở rộng quy mô thành hai chuồng trại khoảng 1.000 m2, với 500 con dúi giống và dúi thương phẩm. Mỗi năm dúi sinh sản bốn lứa, mỗi lứa hai đến năm con. Dúi giống sau ba tháng đạt khoảng 500 - 700g, xuất bán với giá 1,4 triệu đồng một cặp; dúi thương phẩm nuôi tám tháng đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,5 kg, xuất bán với giá 500 nghìn đồng/kg.

Sản phẩm thịt dúi chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Do phải thực hiện các biện pháp cách ly và phòng dịch cho nên lượng khách tại các điểm tiêu thụ giảm sút, một lần nữa người nuôi dúi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả xuống thấp. Tuy nhiên, Hán Xuân Trường lại biến khó khăn thành cơ hội, thay vì bán giá thấp ra thị trường, anh lại vay thêm vốn mở rộng chuồng trại, phát triển đàn, đồng thời vận động thanh niên, người dân địa phương phát triển mô hình nuôi dúi. Hán Xuân Trường cung ứng dúi giống, hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật làm chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đã tạo niềm tin cho người nuôi, theo đó số mô hình nuôi dúi tại địa phương cũng tăng lên, sản phẩm dúi giống cũng “cháy hàng”... Hán Xuân Trường cho biết, muốn tránh được rủi ro do tác động của thị trường, dịch bệnh… để phát triển bền vững, có giá trị cao thì ngoài chất lượng cần phải có thị trường, số lượng lớn bảo đảm nguồn cung ổn định bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể, vì vậy mục tiêu đặt ra là phải xây dựng được hợp tác xã nuôi dúi với quy mô lớn, chất lượng tốt.

Tương tự, đại dịch Covid-19 cũng khiến chàng thanh niên người dân tộc Nùng Hà Văn Cương, sinh năm 1995, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắk Mil một phen điêu đứng. Với 15 triệu đồng tiền vốn ban đầu, năm 2017 đôi vợ chồng trẻ Hà Văn Cương mua bốn con dê giống về nuôi và quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dê. Sau nhiều năm vừa gây đàn vừa bán dê giống, dê thương phẩm, đàn dê của anh Cương đã tăng lên 80 con, với doanh thu ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khi anh Cương chưa kịp mỉm cười với thành công bước đầu thì đại dịch Covid-19 ập đến, giá thịt dê thương phẩm xuống thấp khiến gia đình gặp khó khăn. Anh Hà Văn Cương cho biết, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, thịt dê chủ yếu cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn với giá bán dao động khoảng 130 -140 nghìn đồng/kg dê hơi, đối với dê giống dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm đột ngột, giá thịt dê thương phẩm theo đó cũng giảm sâu khoảng mười giá so với trước, giá bán dê giống cũng giảm sâu thậm chí không tiêu thụ được khiến người nuôi dê gặp khó khăn. Trong lúc bế tắc, anh Cương đã tìm đến tổ chức Đoàn Thanh niên đề nghị vay vốn và đã được hỗ trợ vốn vay theo chương trình dành cho thanh niên khởi nghiệp với 100 triệu đồng. Khi có vốn, anh quyết định không bán dê giá thấp mà giữ lại tăng đàn, nhân giống, đến nay đàn dê đã tăng lên hàng trăm con. Hiện gia đình đang phát triển thêm mô hình nuôi heo rừng lai, ủ phân hữu cơ vi sinh, trồng cỏ… chuẩn bị các điều kiện để xây dựng trang trại trên diện tích lớn. Nhiều năm nay, anh Cương được các cấp bộ đoàn Trung ương và địa phương tặng danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; gương thanh niên điển hình phát triển kinh tế giỏi…

Không riêng chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt cũng chịu tác động xấu của đại dịch Covid-19. Anh Đàm Tiến Thành, sinh năm 1989, người dân tộc Cao Lan, thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong với mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp xen canh cà-phê cho thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tưởng rằng cuộc sống đã ổn định, thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, bưởi bán ra thị trường bị rớt giá khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh Thành cho biết, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng ba tấn bưởi da xanh, với giá bán tại thị trường địa phương là 50 nghìn đồng/kg. Đến khi dịch bệnh xảy ra, giá bưởi da xanh rớt xuống chỉ còn từ 15-20 nghìn đồng/kg. Mặt khác, trong khi giá bưởi xuống thấp thì giá thuê nhân công, vật tư đầu vào vẫn tăng khiến người trồng bưởi thiệt hại nặng. Trước thực tế khó khăn, Thành được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua ủy thác của Đoàn Thanh niên để phát triển sản xuất. Từ sản phẩm bưởi trồng tự phát ban đầu, đến nay trái bưởi da xanh đã được đưa vào trồng tại hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn và đang hướng tới sản phẩm VietGAP, tiêu thụ tại các siêu thị lớn…

Cùng với sự nỗ lực vượt khó, cách làm sáng tạo của thanh niên, trong thời gian qua tổ chức đoàn, hội các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các hoạt động, trong đó nổi bật là các hoạt động tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kịp thời kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ đoàn, hội và đoàn viên thanh niên, nhất là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số về kiến thức khởi nghiệp, kết nối đối tác, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, giảm nghèo. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn tạo việc làm, khởi nghiệp, phát triển mô hình kinh tế… Bằng kiến thức đã được học, và trên cơ sở lợi thế của đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng sẵn có, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập cao; có sự linh hoạt, sáng tạo trong việc đặt hàng, cung ứng sản phẩm kết nối với các siêu thị nhỏ, cửa hàng thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi cung ứng khép kín; tạo công ăn việc làm cho người dân; góp phần vào việc xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bài và ảnh: CHẤN HƯNG