Thể dục thể thao vượt chỉ tiêu trong chiến lược của Chính phủ

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 (viết tắt là chiến lược) theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu lớn trong chiến lược cơ bản đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Về TDTT quần chúng, số người tham gia rèn luyện thân thể thường xuyên đến năm 2020 đạt 34,4% dân số (tăng 1,4% so với chỉ tiêu tại chiến lược). Số hộ gia đình tập TDTT thường xuyên năm 2020 đạt tỷ lệ 25,6% số hộ (tăng 0,6% so với chiến lược đề ra).

Thể thao quần chúng có bước phát triển rõ nét (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: HỮU TRƯỞNG

Về thể thao trong trường học, số trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 79%. Về TDTT trong lực lượng vũ trang, số cán bộ chiến sĩ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt trên 90%.

Về thể thao thành tích cao, thể thao Việt Nam (TTVN) luôn giữ vững được vị trí tốp 3 toàn đoàn tại SEA Games. Tiêu biểu tại SEA Games 2019, TTVN giành 98 huy chương vàng (HCV), 85 huy chương bạc (HCB), 105 huy chương đồng (HCĐ), xếp thứ 2/11 quốc gia. Đặc biệt, đội tuyển bóng đá U.22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games, đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games. Ở tầm châu Á, TTVN đã có những bước tiến rõ nét. Đặc biệt, tại ASIAD 18 năm 2018 tại Indonesia giành 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 16/45 quốc gia; TTVN lần đầu giành được HCV ở những môn thể thao Olympic là điền kinh và rowing. Tại Olympic, lần đầu tiên trong lịch sử TTVN giành được HCV nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng).

Trong giai đoạn vừa qua, bóng đá Việt Nam thể hiện sự tiến bộ vượt bậc ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục. Thành tích của bóng đá Việt Nam đã tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, thông qua đó góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, tạo niềm tin về một Việt Nam trên đà phát triển.

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đang có thành tích tốt, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Ảnh: VFF

Thể thao thành tích cao tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn thấp so với châu lục và thế giới. Lực lượng vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao còn mỏng, kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV còn dàn trải, dẫn tới việc đào tạo trong nước và tập huấn cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ cho VĐV, huấn luyện viên tuy đã được cải thiện nhưng chưa có bước đô%3ḅt phá. Cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao còn rất thiếu, lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu đào tạo VĐV trong giai đoạn hiê%3ḅn nay…

* Cũng trong chiều 3-6, Tổng cục TDTT công bố Quyết định về việc Thành lập Ban soạn thảo Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Ban soạn thảo gồm 15 thành viên, do ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TDTT làm trưởng ban. Ban soạn thảo có trách nhiệm khảo sát, thu thập thông tin, số liệu và xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030 bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đáp ứng các quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành, trước khi trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chính phủ phê duyệt.

HỮU TRƯỞNG