Thực phẩm chay trong cuộc sống hiện đại: Câu chuyện về thực phẩm chay an toàn

Lựa chọn sản phẩm chay an toàn là sự quan tâm của người tiêu dùng.

Từ vụ Pate Minh Chay...

Tháng 9-2020, sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Liên quan đến vụ việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa đã tiến hành rà soát, kiểm tra và thu hồi 19 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm Pate Minh Chay và 7 sản phẩm khác. Những sản phẩm này do 11 khách hàng tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mua qua hình thức online.

Gần đây nhất, tháng 3-2021, 6 người ở tỉnh Bình Dương đã bị ngộ độc khi ăn bún riêu cua chay, cũng do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra.

Các vụ việc trên gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay hiện nay. Tại Thanh Hóa, cho đến thời điểm này, ban ngành chức năng vẫn chưa thống kê được có bao nhiêu cơ sở sản xuất thực phẩm chay, cũng như các nhà hàng, quán cơm chay. Tuy nhiên, thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (QLCLNLS&TS) Sở NN&PTNT cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra bất cứ trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm chay.

Sự vào cuộc nhanh chóng của ngành chức năng có thể làm “ấm lòng” người tiêu dùng, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về sự cố trong vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, mới đây, đơn vị này đã xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm chay của bà Nguyễn Thị T. ở 12G Bến Ngự (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) với số tiền 4.750.000 đồng do bày bán thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định.

Chưa thực sự phổ biến nhưng ăn chay đang có xu hướng tăng. Đồng nghĩa các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay sẽ hoạt động đa dạng hơn.

... Đến đảm bảo an toàn thực phẩm chay

Cũng theo thông tin từ Chi cục QLCLNLS&TS Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp nào chuyên sản xuất thực phẩm chay, chủ yếu là cơ sở sản xuất, chế biến theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Phần lớn thực phẩm chay bán trên thị trường thuộc các đơn vị sản xuất ở tỉnh ngoài.

Ghi nhận tại TP Thanh Hóa, địa điểm của nhiều nhà hàng, quán cơm chay khá nổi tiếng. Không chỉ phục vụ ăn uống đồ chay mà nhiều nhà hàng còn là nơi trực tiếp sản xuất thực phẩm chay để cung cấp sản phẩm cho chính nhà hàng của mình. Chị Lý Minh Chi, chủ nhà hàng Làng chay Trúc Thôn (phường Đông Thọ), cho biết: “Sau khi xảy ra vụ ngộ độc Pate Minh Chay, chúng tôi cũng xem đây là bài học kinh nghiệm đối với nhà hàng. Từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến phải cẩn thận hơn. Sản phẩm đều chế biến trong ngày, không có chất bảo quản hay gia vị hóa học, không có sản phẩm đóng gói. Nhà hàng luôn cố gắng để đạt kết quả tốt nhất, giảm thiểu tối đa những điều không mong muốn”. Theo bà Nguyễn Thị Tuyển, chủ quán cơm chay Thanh Hương (phường Đông Hương): “Đồ chay của nhà hàng được chế biến từ rau, củ, quả, nấm, đậu, không chứa chất bảo quản, đến các gia vị, chúng tôi đều tham khảo trên thị trường sau đó mới lên danh sách để thực hiện”.

Thực phẩm chay an toàn, được hiểu là những sản phẩm sạch được làm từ nguyên liệu tự nhiên. Những phụ gia nếu có phải đảm bảo VSATTP và phù hợp với quy định. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hiền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLS&TS tỉnh: “Thực tế, do các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay theo quy mô hộ gia đình nên điều kiện đảm bảo VSATTP còn hạn chế về nhà xưởng, trang thiết bị và thực hành chế biến, bao gói. Nếu lạm dụng hóa chất, phụ gia cũng như nhiễm vi sinh vật sẽ dẫn đến sinh ra độc tố rất cao, phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh đã xây dựng kế hoạch “Tăng cường quản lý, kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay”. Theo đó, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến... Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền cục trưởng, cho biết: “Cục đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, lưu thông mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trong đó có thực phẩm chay tại các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử”...

Vi An