Thuốc lá điện tử và ma túy có mối tương quan thế nào?

Cụ thể, với nicotin, trong thuốc lá thông thường thì hàm lượng khoảng1,5-2%, cao nhất 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày).

Tuy nhiên, với thuốc lá điện tử, hàm lượng nicotin còn cao hơn, từ 3 đến 5%. Nicotin là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và hương liệu để tạo mùi hấp dẫn (có đến 15.500 hương liệu khác nhau).

Ca bệnh ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin gốc thực vật: Khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.

Về mối nguy ma túy trong thuốc lá điện tử theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, nguy cơ người hút thuốc lá điện tử dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử; đồng thời việc sử dụng sản phẩm này cũng làm tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh.

Đại diện ệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo số hương liệu trong thuốc lá điện tử tăng liên tục khi hiện có hơn 400 thương hiệu với khoảng 15.000 hương liệu được dùng trong thuốc lá điện tử từ trên 1.200 nhà cung cấp. Ước tính, mỗi tháng có thêm 10,5 thương hiệu thuốc lá điện tử với 242 hương liệu mới.

Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, thuốc là thuốc điện tử là sản phẩm gây hại, khiến giới trẻ nói riêng và người sử dụng nói chung có xu hướng lạm dụng, dẫn tới nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp gây ra nhiều loại bệnh tật mới, kéo theo hệ lụy y tế khổng lồ.

“Thuốc lá điện tử cũng làm nặng thêm vấn đề thuốc lá truyền thống; làm phức tạp và nặng thêm vấn đề ma túy do vậy tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử mà cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam”, TS.Nguyễn Trung Nguyên nói.

Còn theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài quảng cáo, rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy.

Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử nở rộ vài năm gần đây, đặc biệt là trong giới trẻ, như một cách để thể hiện đẳng cấp, sành điệu, thời thượng.

"Giới trẻ thích sử dụng các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử vì mẫu mã rất bắt mắt, mùi vị rất quyến rũ. Đặc biệt, tâm lý của giới trẻ thích khám phá, tìm tòi, muốn thể hiện bản thân", lãnh đạo C04 nói.

Đáng chú ý, tác hại của các loại ma túy này rất nguy hiểm. Vì lợi nhuận, các nghi phạm không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, kể cả đầu độc thế hệ trẻ.

Đại diện C04 cho biết thời gian qua đơn vị đã triệt phá, bắt giữ nhiều nghi phạm buôn bán thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy. Đồng thời, cảnh sát cũng đã khuyến cáo, tuyên truyền nhiều về tác hại của loại thuốc lá điện tử này nhưng giới trẻ vẫn bất chấp sử dụng.

Được biết, trước tác hại nhìn thấy rõ của thuốc lá điện tử, rất nhiều quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử vì thấy được nguy hại của nó như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... Thậm chí Trung Quốc là đất nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử nhiều nhất trên thế giới cũng đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10-2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử).

D.Ngân