Ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh: Tưởng không hại, mà hại… không tưởng!

Không thể phủ nhận việc sở hữu một vẻ ngoài hoàn hảo là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện sự không hài lòng về cơ thể khiến chất lượng cuộc sống kém hơn. Điều này bao gồm khả năng mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn và nguy cơ mắc các hành vi ăn uống không lành mạnh, thậm chí rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn (và ngày càng gia tăng) trong xã hội đang ngăn cản nhiều người đạt được một trạng thái tinh thần khỏe mạnh, và nó bắt nguồn từ công nghệ mà chúng ta đang nắm trong lòng bàn tay - các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh.

Người dùng dễ bị rơi vào “bẫy đẹp ảo”

Tất nhiên, công cụ chỉnh sửa ảnh đã tồn tại từ lâu trong các phương tiện truyền thống, nhưng trong những năm gần đây, nó phổ biến rộng rãi và dễ tiếp cận hơn nhiều. Giờ đây, với một vài cú chạm trên điện thoại, bạn có thể tải xuống một ứng dụng và thay đổi diện mạo của mình. Hành vi này không chỉ có hại cho người chỉnh sửa ảnh, mà còn có hại cho người tiếp nhận hình ảnh đó. Nó tạo ra một lý tưởng làm đẹp phi thực tế và không thể đạt được. Nói cách khác, nó gây ra cảm giác thiếu thốn cho cả một thế hệ. Tệ hơn nữa, không chỉ dân số trưởng thành dễ bị rơi vào “bẫy đẹp ảo”. Thực tế, những người trẻ nhất trong xã hội chính là đối tượng mà các chuyên gia lo ngại sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cao nhất.

Một cuộc khảo sát trên toàn Vương quốc Anh do Quỹ Sức khỏe Tâm thần thực hiện với 1.118 thanh thiếu niên (13-19 tuổi) cho thấy, cứ 4 cô gái thì có 1 người đã chỉnh sửa ảnh để thay đổi khuôn mặt hoặc hình dạng cơ thể vì ám ảnh mình không đẹp. Trong số thanh niên 18-24 tuổi, hơn 1/3 (37%) cảm thấy xấu hổ về hình ảnh cơ thể của mình. 1/4 (25%) cho biết họ cảm thấy quá căng thẳng trước hình ảnh và ngoại hình của cơ thể, cảm thấy choáng ngợp hoặc mất kiểm soát.

Vậy, làm thế nào để ngăn chặn “cuộc khủng hoảng hình ảnh cơ thể” được tạo ra bởi các ứng dụng công nghệ?

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần từng cảnh báo Big Tech về các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh nhắm vào trẻ em. Họ kêu gọi giới hạn độ tuổi các ứng dụng chỉnh sửa cơ thể và khuôn mặt để bảo vệ tốt hơn sức khỏe tinh thần và thể chất của những người trẻ tuổi.

Tiến sĩ Antonis Kousoulis, Giám đốc Quỹ Sức khỏe Tâm thần tại Anh và xứ Wales, nhận xét: “Công nghệ chỉnh sửa hình ảnh đang phát triển phần lớn không được kiểm soát và dưới tầm kiểm soát, trong một không gian có khả năng tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên là rất lớn. Chúng tôi đã viết thư cho 5 công ty công nghệ lớn nhằm chia sẻ mối quan tâm của chúng tôi và cung cấp kiến thức chuyên môn của chúng tôi để cùng sản xuất các hướng dẫn bảo vệ trẻ em. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để hiểu cách các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh độc lập và các bộ lọc trong ứng dụng phổ biến trên các nền tảng như TikTok và Instagram, ảnh hưởng đến hình ảnh cơ thể cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh niên.”.

Rõ ràng, chưa cần những bằng chứng khoa học, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra tác hại của những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh. Đây cũng là một trào lưu quá phổ biến đối với hàng triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính,…

Những bức ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội đang “thúc đẩy một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần” và tạo ra một “cái nhìn sai lệch” về vẻ đẹp. Khi nền văn hóa của chúng ta trở nên trực quan hơn, áp lực phải có một cơ thể hoàn hảo càng gia tăng, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta luôn có cảm giác thất bại và xấu hổ. Nhiều người lo lắng về hình ảnh cơ thể, những ứng dụng chỉnh sửa đang gây thêm áp lực và đưa ra thông điệp rằng khuôn mặt và cơ thể của bạn cần thay đổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng chúng ta cần phải xem xét điều này một cách nghiêm túc. Lạm dụng các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh không đơn giản chỉ là niềm vui và trò chơi.

Thủy Kiều