Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong công nhân lao động

Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, các cấp Công đoàn cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh về mọi mặt, nhất là công tác phối hợp với các cấp, các ngành, người sử dụng lao động tạo mọi điều kiện để công nhân lao động (CNLĐ) nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập. Tuyên truyền, vận động CNLĐ tham gia vào các hoạt động công đoàn, trong đó có các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổ chức các hội thi, giao lưu, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ.

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Phú Thọ đã thu hút hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận về làm việc tại các doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho CNLĐ, việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân đang là vấn đề rất được quan tâm.

Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có trên 1.690 Công đoàn cơ sở (CĐCS) với 146.730 đoàn viên, 448 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, với 104.614 lao động, trong đó 117 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông CNLĐ xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa dành cho người lao động; xây dựng đời sống văn hóa trong CNLĐ phù hợp với từng địa phương, loại hình doanh nghiệp, đối tượng CNLĐ; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch được tổ chức thường xuyên.

Điều kiện cho người lao động về phương tiện làm việc, hỗ trợ học tập nâng cao trình độ chính trị, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động lúc khó khăn, hoạn nạn được quan tâm thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều chủ doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng phần nào nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu của người lao động hiện nay.

Nhận thức sâu sắc về các vấn đề nêu trên, các CĐCS đã tham mưu, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt là trong các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, quy chế phối hợp giữa Công đoàn với người sử dụng lao động, các hoạt động giao lưu trong CNLĐ về văn hóa Việt Nam và văn hóa các nước đã đem lại kết quả tích cực, giữ vững tinh thần làm việc, mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục, phổ biến pháp luật, cho người lao động thông qua các hoạt động như tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật và giao lưu văn nghệ; phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thao, hội diễn cấp tỉnh, xây dựng bài giảng, hướng dẫn các môn tập luyện thể thao, các bài tập thể dục giữa giờ phù hợp với đối tượng CNLĐ; phối hợp xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS cũng chủ động tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao trong CNVCLĐ.

Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị truyền thông về nâng cao văn hóa ứng xử trong CNVCLĐ.

Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trên cơ sở chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đặc biệt là văn hóa vùng Đất Tổ với những đặc trưng, đặc sắc văn hóa vùng miền cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần người lao động như: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho CNLĐ về chính sách, pháp luật, nếp sống văn hóa tại doanh nghiệp và nơi ở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân nòng cốt về xây dựng nếp sống văn hóa, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phong trào người tốt, việc tốt, tổ chức các hình thức tìm hiểu pháp luật, văn hóa, kiến thức xã hội cho CNLĐ.

Xây dựng đội ngũ công nhân có lập trường, tư tưởng vững vàng, chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, không mắc các tệ nạn xã hội; tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của tổ chức Công đoàn và duy trì trang bị báo, tạp chí cho các cấp công đoàn, trang bị tủ sách pháp luật cho các khu nhà trọ công nhân nhằm đưa nhanh, giúp cho CNLĐ tự nghiên cứu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Tổ chức và hướng dẫn cơ sở tổ chức hoạt động “Câu lạc bộ công nhân”, “Đội văn nghệ công nhân”; phát động Phong trào “Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường các hoạt động liên hoan, hội thi, hội thao, gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ CĐCS và CNLĐ tiêu biểu. Tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng đời sống văn hóa; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” do Nhà nước, địa phương và tổ chức Công đoàn tổ chức hàng năm.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, thành lập các điểm hỗ trợ công nhân gắn với hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí nơi công nhân ở trọ, đào tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Cùng với các cấp, các ngành vận động các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các doanh nghiệp.

Xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất theo tinh thần Quyết định số 655/QĐ-TTg, Quyết định số 1729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo tiền đề cho việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ ở khu, cụm công nghiệp...

Hà Đức Quảng

TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh