Xây dựng văn hóa con người Việt Nam ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Kỳ đầu: 'Gạn đục khơi trong'

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta đã xác định văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển KT-XH. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, xa, biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Lễ cúng của dân tộc Mông trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Quản Bạ.

Muốn xây dựng văn hóa con người Việt Nam với đầy đủ các phẩm chất như Đại hội Đảng XIII đề ra, đối với tỉnh Hà Giang, thách thức đầu tiên là phải xóa bỏ các tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống hiện đại; từ đó, tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển KT-XH, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phản hồi tích cực từ cộng đồng

Múa trống của dân tộc Giấy.

Hiện nay, các kênh truyền thông đại chúng vẫn đưa thông tin về một số hủ tục còn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS như bắt dâu, tảo hôn, bỏ con trong rừng... Gần đây nhất, tại tỉnh ta vừa bắt 3 đối tượng phạm tội giết người liên quan đến vấn đề mê tín dị đoan, do nghi hàng xóm có bùa ngải hại chết người thân trong gia đình mình nên các đối tượng đã ra tay giết hại người vô tội. Làm thế nào để những câu chuyện đau lòng do thiếu hiểu biết như trên chấm dứt? Làm sao để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, mọi người dân đều tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu, vùng xa thoát khỏi “nghèo nàn, lạc hậu”!... Là tỉnh vùng cao biên giới, có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức. Trước những câu hỏi đặt ra đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 09-CT/TU).

Múa khèn Mông trong lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông.

Đến huyện Quản Bạ, nơi đang đi đầu về việc bài trừ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bà con. Nhờ bài trừ hủ tục mà đời sống của nhân dân ở xã Thái An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bí thư Chi bộ thôn Séo Lủng II, xã Thái An Sùng Mí Vàng tâm sự: “Thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông, trước đây đời sống của bà con nghèo đói, lạc hậu và có nhiều hủ tục. Điển hình như phong tục về tang ma, trước đây mỗi gia đình có người mất phải tổ chức lễ tang vài ngày, giết mổ rất nhiều bò, lợn đãi khách, làm lễ. Trong khi hầu hết là hộ nghèo, hàng ngày lo cái ăn, cái mặc đã khó, nay lại phải vay mượn để mua bò, lợn về mổ, đây là một khoản nợ khổng lồ, nhiều hộ trả nợ từ đời cha không hết lại truyền đến đời con. Một vấn đề nữa là dân tộc Mông có phong tục không cho người chết vào áo quan mà để dựng ở góc nhà, bón cơm hàng ngày trong mấy ngày làm đám, gây mất vệ sinh môi trường. Đến khi đưa đi chôn cất lại phải mổ bò, lợn ăn ngay tại nghĩa trang, nơi chôn cất người mất để làm lễ... Một đám tang như vậy có rất nhiều điểm không còn phù hợp”.

Mặc dù thế hệ trẻ nhận thức được điều này, tuy nhiên phong tục do ông, cha để lại vẫn làm theo, nếu không sẽ vấp phải sự phản đối của gia đình, dòng họ, người cao tuổi hai bên. Chính vì vậy, khi chính quyền địa phương vào cuộc vận động thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU; lãnh đạo xã đến từng thôn họp bàn, thảo luận với người dân, đề nghị sự tham gia của người có uy tín, các thôn họp bàn, đưa quy định vào Hương ước, Quy ước của thôn, cho các gia đình ký cam kết không tổ chức đám ma quá 48 giờ, không giết mổ nhiều gia súc trong đám tang, phải đưa người chết vào áo quan... dần tạo ra thay đổi trong đời sống người dân. Mặc dù ban đầu việc vận động các gia đình rất khó, tuy nhiên nhờ sự vào cuộc của người có uy tín, sự đi đầu gương mẫu của các cán bộ người địa phương tự thay đổi cách tổ chức đám tang tại gia đình, dần dần người dân cũng làm theo. Đây thực sự là sự thay đổi lớn tại địa phương, người dân rất vui mừng vì các phong tục cũ được cải tiến, việc làm đám tang cũng được rút ngắn gọn nhẹ hơn, giúp giảm gánh nặng cho các gia đình.

Xây dựng đời sống văn hóa mới

Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Đỗ Văn Hùng cho biết: Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực để phát triển; xây dựng văn hóa con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; BTV Huyện ủy Quản Bạ ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị quan trọng triển khai thực hiện như, Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 18/11/2020 về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 08-CT/HU, ngày 24/9/2021 về xây dựng môi trường nông thôn xanh, phát triển nông nghiệp sạch gắn với xây dựng đời sống văn hóa đẹp trên địa bàn huyện Quản Bạ... Trong những năm qua, BTV Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao dân trí, xây dựng văn hóa tại huyện. Sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, BTV Huyện ủy Quản Bạ đã ban hành Đề án số 16-ĐA/HU, ngày 16/6/2022 về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Quản Bạ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Lập danh mục thống kê các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần cải tiến, xóa bỏ; đưa các nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn văn hóa truyền thống vào giảng dạy cho học sinh. Phát huy tối đa vai trò của các trường bán trú, trường PTDT Nội trú THCS và THPT, tại trường các em được học tập, rèn luyện, giáo dục kỹ năng sống, vệ sinh môi trường học tập và sinh hoạt… Từ đó, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên về xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, theo kịp với thời đại.

Múa cấp sắc của dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ)

Huyện chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, đoàn kết và nhân văn trong trong từng cộng đồng thôn bản, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, đơn vị, dòng họ, gia đình. Xác định 19 dân tộc anh em trên địa bàn huyện luôn bình đẳng, đoàn kết, văn hóa của các dân tộc đều có giá trị như nhau, đều được tôn trọng ngang nhau. Đặc biệt, tại huyện đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 60%, vì vậy huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng giao tiếp tiếng Mông cho cán bộ huyện để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền theo phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tiếng nói với nhân dân”. Hàng năm, huyện quan tâm tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội bắt cá dân tộc Dao, Lễ hội làng nghề thêu dệt vải lanh truyền thống dân tộc Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc huyện Quản Bạ… Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao thể chất, tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tổ chức các cuộc thi xây dựng video, clip, phóng sự tìm hiểu văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu vùng đồng bào DTTS huyện Quản Bạ; cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân... Phát huy vai trò của người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và trực tiếp tham gia vận động, triển khai thực hiện. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Không đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và cho ra khỏi quy hoạch đối với cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Từ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện đã quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với đặc thù huyện vùng cao, miền núi còn nhiều khó khăn. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng con người vùng cao có thể chất, trí tuệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Kỳ cuối: Xây dựng văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước

Bài, ảnh: LÊ HẢI