Xây dựng văn hóa giao thông 'đã uống rượu, bia - không lái xe'

Công an TP à Nội “mạnh tay” với vi phạm nồng độ cồn:

CSGT Hà Nội đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: B.D

Thực tế đã chứng minh, quy định đội mũ bảo hiểm từ khi thực hiện đã làm giảm hàng trăm nghìn ca chấn thương đầu, cứu sống hàng chục vạn người, đến nay thói quen đội mũ bảo hiểm đã tạo thành nét văn hóa giao thông trong Nhân dân. Điều này có được là nhờ việc thực thi luật giao thông đường bộ nghiêm ngặt cùng các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông.

Quyết tâm cao

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2023, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đang vào cuộc tích cực với mục tiêu xây dựng và hình thành thói quen văn hóa khi tham gia giao thông “đã uống rượu, bia - không lái xe”. Chiến dịch này được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao và thực sự đi vào đời sống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy 16 năm trước.

Điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia, thời gian qua, với quyết tâm xây dựng văn hóa giao thông từ việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, UBND TP Hà Nội, CATP cùng các ban, ngành đã vào cuộc với quyết tâm cao, tạo khí thế và chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm 2023.

Để công tác phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả, bền vững; quyết tâm hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”, UBND TP yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc TP; UBND các quận, huyện, thị xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các đoàn thể chính trị - xã hội TP tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng TP bằng nhiều hình thức phù hợp.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Từ đó, CATP Hà Nội đã giao lực lượng CSGT tiếp tục thực hiện quyết liệt, xử lý hiệu quả vi phạm. Sự vào cuộc này càng khẩn trương khi cán bộ, công chức vi phạm sẽ bị gửi danh sách đến Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Với quan điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từ đầu năm 2023, CATP Hà Nội đã giao nhiệm vụ tăng cường xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đối với CA quận, huyện, thị xã. Giao Phòng CSGT triển khai 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn và các tổ công tác 141 tăng cường kiểm tra xử lý nồng độ cồn.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội khẳng định: “trong quá trình làm nhiệm vụ, các tổ công tác vừa chủ động phát hiện vi phạm, vừa tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên trong tuyên truyền, vận động việc chấp hành pháp luật giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia; nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ”.

CSGT Hà Nội lập biên bản một trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: B.D

Từng bước tạo nên nét văn hóa giao thông

Từ đầu năm đến nay, ghi nhận việc xử lý “ma men” đã đi vào quy củ, tạo sự chuyển biến tích cực. Theo thống kê của CATP Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 11/2023, toàn TP đã xử lý 68.510 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Qua theo dõi vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây trên địa bàn TP, đa số người dân điều khiển phương tiện giao thông đã có ý thức thực hiện nghiêm quy định. Số lượng người dân vi phạm lỗi nồng độ cồn có xu hướng giảm.

“Thời gian qua, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được lực lượng CSGT cả nước nói chung và lực lượng CSGT Hà Nội nói riêng làm rất tốt, đã tạo được ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân. Như gia đình tôi, chồng tôi có đi ăn giỗ, ăn cưới, đã uống rượu rồi là không dám lái xe vì sợ bị phạt nồng độ cồn. Cho thấy rằng ý thức của từng người dân đã thay đổi tích cực và khi ý thức thay đổi thì văn hóa giao thông sẽ tốt hơn…”, chị Nguyễn Thanh Vân, cán bộ của một Sở tại Hà Nội khi nói về công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Anh Vương Long, PV đang công tác tại Hà Nội chia sẻ: “uống rượu, bia khi gặp gỡ bạn bè, khi nhà có cỗ hoặc lễ, Tết đã trở thành phong tục của nhiều địa phương và rất khó bỏ. Thế nên, tôi luôn nhắc nhở bản thân và gia đình cũng như bạn bè của tôi, đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe, tốt nhất là thuê taxi, xe ôm, vừa đảm bảo an toàn cho chính mình và cho xã hội.

Tháng 7/2023, một người bạn của tôi đi nhậu về, uống vài ba chén rượu, cảm thấy mình vẫn tỉnh táo nên tự lái xe về dù tôi đã khuyên can và kết quả là bị lực lượng CSGT xử phạt gần 20 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn ở mức cao. Cũng vì số tiền phạt khá lớn so với kinh tế gia đình mà tình cảm vợ chồng lục đục... Kể từ lần bị phạt đó, bạn tôi đã thay đổi ý thức hoàn toàn, tự giác từ chối những cuộc nhậu không cần thiết và khi đã có “men” trong người thì thuê xe ôm về.

Chính từ những kết quả đó mà tôi rất đồng tình, ủng hộ việc lực lượng CA xử lý “mạnh tay” với vi phạm nồng độ cồn. Đặc biệt, xử phạt không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây là hành động cứng rắn và rất cần thiết để lập lại trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao ý thức luật pháp của người dân".

Anh Lê Văn Tuyển, công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long bày tỏ: “trước đây, mỗi tháng sau khi nhận lương, mấy anh em đều rủ nhau đi làm “vài chén” cho vui nhưng từ khi lực lượng CSGT xử phạt nồng độ cồn “căng” quá nên anh em tôi không đi nhậu nữa vì sợ tiền phạt quá tiền lương. Cá nhân tôi cũng cảm thấy rằng, sau một thời gian giảm rượu, bia sức khỏe tôi tốt lên và còn chắt bóp được thêm tiền gửi về quê cho con học hành”.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội TP và Nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc triển khai, có các giải pháp đồng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo Nhân dân… Tất cả đang tạo nên một nét văn hóa giao thông đầy tích cực từ những việc làm cụ thể, nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả xã hội. Chưa khi nào khẩu hiệu “đã uống rượu, bia - không lái xe” được thực hiện một cách triệt để như hiện nay.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Thủ đô. Điều đó cũng khẳng định được hiệu quả của việc tuyên truyền tác hại rượu bia, đang định hình một phong cách, một nét đẹp trong văn hóa giao thông cho người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Bạch Dương