Xóa bỏ bản quyền vắc-xin ngừa Covid-19

Năm 1955, Jonas Salk, nhà phát minh vắc-xin bại liệt đầu tiên trên thế giới, khi được hỏi ai là người sở hữu bằng sáng chế sản phẩm này, đã đáp rằng: “Câu trả lời của tôi là mọi người. Không có bằng sáng chế nào cả. Bạn có thể cấp bằng sáng chế cho mặt trời không?".

Mặc dù các nhà sử học nói "món quà dành cho thế giới" của ông Salk ban đầu có thể không nhằm mục đích miễn phí, nhưng nhà virus học này được ghi nhận có công cứu sống hàng triệu trẻ em, một phần nhờ ông không có bằng sáng chế với vắc-xin bại liệt.

Hiện tại, khi số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 3,2 triệu người, quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với vắc-xin ngừa virus corona chủng mới đã trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi sôi nổi nhất hành tinh.

Mất cân bằng trong tiếp cận vắc-xin

Theo tạp chí Nature, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 để tạo miễn dịch cho 70% dân số thế giới, trong trường hợp mỗi người phải tiêm đủ hai liều. Tính đến tháng 2, các nhà sản xuất vắc-xin đã nhận được đặt hàng 8,6 tỷ liều. Song, khoảng 6 tỷ liều trong số này dành cho các nước có thu nhập cao và trung bình. Các quốc gia nghèo hơn, vốn chiếm tới 80% dân số thế giới, cho đến nay mới được tiếp cận không đầy 1/3 số vắc-xin hiện có.

Sự mất cân bằng về số liều vắc-xin Covid-19 (đơn vị tỷ liều) cung cấp cho các nước. Ảnh: Nature

Các nhà nghiên cứu dự báo phải mất ít nhất 2 năm nữa trước khi một tỷ lệ đáng kể người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp nhất được tiêm chủng, trừ khi việc sản xuất và cung ứng được phân phối đồng đều hơn. Đây là lý do tại sao khoảng 100 quốc gia, dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi đang kiến nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dỡ bỏ có thời hạn các IP liên quan đến Covid-19.

Ba học giả Mariana Mazzucato, Jayati Ghosh và Els Torreele bày tỏ trên tạp chí The Economist rằng, quan điểm trên cần được xem xét nghiêm túc vì việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ tạm thời có thể góp phần thúc đẩy chấm dứt đại dịch sớm.

Điều đó cũng sẽ giúp các quốc gia giàu có hơn và các công ty dược phẩm truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng, họ sẵn sàng từ bỏ một phần lợi nhuận vì điều tốt đẹp hơn. Chiến dịch vận động từ bỏ IP tạm thời, có tên gọi "Vắc-xin cho mọi người" đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ cũng như cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS).

Tổng số liều vắc-xin ngừa Covid-19 do các quốc gia sản xuất tính tới ngày 3/3. Ảnh: Statista

Những người ủng hộ chiến dịch chỉ ra rằng, nhiều công ty đã được hưởng lợi hàng tỷ USD từ ngân sách công, thông qua cả các khoản tài trợ nghiên cứu và phát triển cũng như các thỏa thuận đặt mua trước vắc-xin. Và khi đại dịch kết thúc, các biện pháp bảo vệ IP sẽ được khôi phục.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng việc này không nhất thiết đẩy nhanh quá trình sản xuất hoặc cung ứng vắc-xin, bởi lẽ việc đảm bảo tất cả thành phần vắc-xin, thiết lập nhà máy, đào tạo lao động và thông qua các luật liên quan… có thể mất hơn một năm. Họ đề xuất giải pháp thay thế là để các công ty tăng cấp phép các thiết kế sản phẩm nhằm đổi lấy thanh toán. Điều này sẽ cho phép nhiều công ty sản xuất vắc-xin hơn. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thiết lập một cơ sở để các công ty chia sẻ công nghệ vắc-xin, các kỹ năng và bí quyết khác của họ.

Các công ty và các nước giàu hơn cũng lưu ý rằng, họ đã ủng hộ chương trình COVAX do WHO đứng đầu. Mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỷ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, chưa rõ liệu chương trình này có thể phát huy hết tiềm năng hay không trước khi một số quốc gia giàu có hơn, vốn đang tài trợ nguồn cung, tiêm phòng đầy đủ cho người dân nước họ.

Việc phân phối vắc-xin Covid-19 (đơn vị triệu liều) cho các nước thông qua chương trình COVAX tính tới ngày 6/5. Ảnh: Statista

Cột mốc quan trọng

Lập luận mạnh mẽ nhất cho việc từ bỏ IP tạm thời có lẽ là, các bằng sáng chế không bao giờ được tạo ra để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp toàn cầu như chiến tranh hoặc đại dịch. Bằng sáng chế tưởng thưởng cho các nhà phát minh bằng cách bảo vệ những sáng chế của họ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh trong một thời gian giới hạn. Đại dịch không phải là cuộc cạnh tranh giữa các công ty, mà là cuộc chạy đua giữa loài người và virus. Các quốc gia và doanh nghiệp cần làm tất cả những gì có thể để đặt dấu chấm hết cho đại dịch càng nhanh càng tốt.

Trong Thế chiến II, Mỹ đã yêu cầu các công ty và trường đại học hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất penicillin nhằm bảo vệ binh lính khỏi các bệnh truyền nhiễm. Các công ty hiểu sự cần thiết của việc đặt lợi ích riêng thấp hơn mục tiêu cứu người và chấm dứt chiến tranh. “Trong một thời gian, Mỹ đã sản xuất hầu như tất cả số penicillin cần thiết. Các công ty đã không kiện nhau vi phạm bằng sáng chế và không ai muốn tống tiền thế giới bằng cách tính giá cắt cổ”, Graham Dutfield, chuyên gia nghiên cứu IP trong các ngành khoa học đời sống tại Đại học Leeds (Anh), nhấn mạnh.

Nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: AP

Sau nhiều tuần gặp gỡ các giám đốc điều hành của tất cả những hãng sản xuất vắc-xin lớn của Mỹ, gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 tuyên bố, dù IP đối với các doanh nghiệp là quan trọng nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bằng sáng chế đối với vắc-xin Covid-19" để chấm dứt đại dịch.

Bà Tai giải thích, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện tại đòi hỏi các giải pháp đặc biệt. Thực tế, Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực lớn khi nhiều bên thúc giục ông bỏ bảo hộ đối với các nhà sản xuất vắc-xin, giữa lúc các nước giàu bị chỉ trích tích trữ chế phẩm này trong khi những nước nghèo hơn lâm vào thảm cảnh. Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi quyết định của Mỹ là "mang tính lịch sử", đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Sau tuyên bố "lịch sử" của chính quyền Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 6/5 cho biết, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng thảo luận về đề xuất từ bỏ IP tạm thời đối với vắc-xin ngừa Covid-19 của Washington.

Tuy nhiên, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đã bác bỏ ý tưởng trên. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel giải thích, yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế. Berlin tin, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới, cần được tiếp tục duy trì.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ từ bỏ bản quyền sáng chế với vắc-xin phòng virus corona chủng mới vì tầm quan trọng của việc chống lại đại dịch. Theo ông Putin, điều này "không mâu thuẫn" với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn cho phép lựa chọn như vậy trong những trường hợp khẩn cấp.

Trước đó, WTO thông báo đã nhận một bản kiến nghị trực tuyến với 900.000 chữ ký kêu gọi hủy bỏ bản quyền vắc-xin cũng như thuốc điều trị bệnh. Kiến nghị trên do nhóm hoạt động Avaaz vận động lấy chữ ký trước thềm cuộc họp ngày 10/12/2020 của Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại trực thuộc WTO.

Giám đốc WHO mới đây tái khẳng định, cơ quan này ủng hộ việc miễn bảo hộ bản quyền vắc-xin Covid-19.

Theo nhiều nhà quan sát, các quốc gia khác cũng nên noi gương Mỹ. Đây có thể không phải là cách tốt nhất hoặc duy nhất để nhanh chóng mở rộng nguồn cung vắc-xin, nhưng nó thể hiện một nguyên tắc quan trọng: Có những lúc cạnh tranh giúp thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới, nhưng cũng có những thời điểm cần phải gạt bỏ cạnh tranh vì những mục đích cao cả, tốt đẹp hơn.

Tuấn Anh