Xốc lại xe buýt

Tuy nhiên, thực tế đặt ra là lượng hành khách đi lại bằng xe buýt đang có xu hướng sụt giảm. Việc nâng cao chất lượng xe buýt, thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó, giúp giảm sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của đô thị.

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ vào khoảng năm 2001 đến 2015 với việc phủ kín tuyến xe buýt đến tất cả các quận, huyện, những năm gần đây, lượng hành khách đi xe buýt tại Hà Nội đang chứng kiến dấu hiệu giảm sút. Thời gian di chuyển lâu, thường xuyên chịu cảnh tắc đường, chất lượng chưa tương xứng với mong muốn của hành khách, khả năng tiếp cận còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến xe buýt kém hấp dẫn đối với người dân. Lượng hành khách sụt giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số đơn vị vận hành xe buýt gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự chững lại của xe buýt, phương tiện vận tải công cộng chủ lực, càng khiến lượng xe cá nhân tăng lên, gây sức ép rất lớn lên các tuyến đường giao thông nội đô. Đường xá vốn đã tắc nghẽn, quá tải càng trở nên chật chội hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Ảnh minh họa: Qdnd.vn

Trong điều kiện tiến độ các dự án đường sắt đô thị chưa được như mong muốn, hạ tầng giao thông còn hạn chế, thời gian tới, xe buýt vẫn là lựa chọn hàng đầu cho mục tiêu tăng cường hơn nữa vận tải hành khách công cộng, hướng đến giảm ùn tắc giao thông. Khi mức sống của người dân ngày càng tăng lên, đòi hỏi dịch vụ vận tải phải đổi mới, cải tiến hơn nữa, phù hợp với môi trường giao thông văn minh, thân thiện. Để đáp ứng yêu cầu này, trước hết, bản thân các đơn vị vận hành xe buýt cần đặc biệt chú trọng đến cải thiện chất lượng dịch vụ. Vừa qua, một số tuyến sử dụng xe buýt điện đã đi vào hoạt động và được hành khách đón nhận tích cực bởi phương tiện hiện đại, tiện nghi, thái độ phục vụ niềm nở. Đây là hướng gợi mở để nhân rộng ra nhiều tuyến xe buýt khác, đầu tư nâng cấp phương tiện, thay đổi phương thức phục vụ, mang lại cái nhìn thiện cảm của người dân với xe buýt.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của xe buýt là khả năng tiếp cận. Để thu hút nhiều hơn người sử dụng phương tiện công cộng, cần rút ngắn khoảng cách tiếp cận với xe buýt, làm dày hơn điểm dừng, đỗ. Đồng thời, cần mở rộng hơn nữa không gian cho người đi bộ, giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và chiếm dụng điểm dừng, đỗ xe buýt. Cần khắc phục tình trạng hiện nay, hành khách khi xuống xe buýt phải vất vả len lỏi giữa dòng xe cộ, vừa bất tiện vừa nguy hiểm. Bên cạnh đó, loại hình xe buýt nhỏ, sức chứa khoảng trên dưới 20 hành khách, có thể đi sâu hơn vào ngõ, phố đã được đưa vào sử dụng, cần nghiên cứu để mở rộng loại hình này, không chỉ tạo thuận tiện cho người dân, mà còn giúp gom khách cho các phương tiện vận tải khối lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh...

Ngay từ quy hoạch đô thị, việc ưu tiên cho phát triển vận tải công cộng cần được tính toán, bố trí một cách khoa học, mang tầm nhìn dài hạn. Với những tuyến đường có chiều rộng đủ lớn, nên có phương án tổ chức phân làn giao thông hợp lý, tách phương tiện vận tải công cộng, xe chở khách khối lớn với xe thô sơ, xe máy và các phương tiện khác để hạn chế tình trạng lộn xộn của giao thông hỗn hợp hiện nay. Cùng với xây dựng các khu đô thị mới cần dành nguồn lực và quỹ đất thỏa đáng cho hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên cho vận tải công cộng. Hỗ trợ cho xe buýt và các loại hình vận tải công cộng phát triển, dần thay thế phương tiện cá nhân là hướng đi bền vững cho đô thị trong tiến trình đô thị hóa.

ĐỖ MẠNH HƯNG