Yên Khánh: Đẩy mạnh giáo dục STEM trong trường học

Tiết học STEM tại Trường Tiểu học Khánh Hòa.

Cùng dự tiết học STEM môn Công nghệ của học sinh lớp 8D, Trường THCS thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) với chủ đề nhà thiết kế tài ba "Thiết kế móc khóa từ vật liệu bìa mica", chúng tôi rất hứng thú. Từ những nguyên liệu sẵn có như 1 tấm nhựa trong, băng dính, kéo, bút màu, bút chì, học sinh tính toán thực hiện đảm bảo các tiêu chí số lượng, kích thước phù hợp, sáng tạo, thẩm mỹ, kết cấu chắc chắn, an toàn, vật liệu thân thiện.

Em Phan Minh Thư, lớp 8D, Trường THCS thị trấn Yên Ninh cho biết: Qua tiết học STEM, chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức, được thỏa sức sáng tạo, được gắn kết với các bạn trong nhóm làm mô hình, sản phẩm rất thú vị. Tiết học bổ ích và học sinh được tiếp thu kiến thức trọn vẹn từ việc học đi đôi với thực hành.

Giáo dục STEM là phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong cuộc sống. Sự linh hoạt của STEM giúp học sinh học cách phân tích, tư duy, sáng tạo và có kiến thức xử lý tình huống một cách nhanh chóng.

Cô giáo Tô Minh Huệ, giáo viên Công nghệ, Trường THCS thị trấn Yên Ninh cho biết: Môn Công nghệ có nhiều hoạt động thực hành, bên cạnh các bài STEM, các thầy cô bám sát các mục tiêu của bài học, giúp học sinh sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để tận dụng làm các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống. Giáo dục STEM nội dung không quá khó, gần gũi với cuộc sống; tất cả học sinh ở các năng lực, trình độ hiểu biết đều tham gia thực hành. Đối với giáo viên, để tiết STEM hiệu quả luôn phải tìm tòi học hỏi, đọc bài, tham khảo thông tin để đưa ra các bài tập học sinh có thể làm được và đảm bảo mục tiêu bài học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cô giáo Phạm Thị Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Ninh cho biết: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đưa STEM vào trong các trường học, Trường THCS thị trấn Yên Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã cho các tổ chuyên môn, các nhóm chuyên môn thực hiện họp bàn, tìm ra các chủ đề STEM một cách hợp lý theo đúng quy định mỗi môn ít nhất 1 chủ đề STEM/năm học. Với mục tiêu xây dựng kiến thức cho học sinh để đưa chương trình giáo dục gần với thực tiễn nhất. Vì vậy, nhà trường đã chọn chủ đề STEM phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh; phù hợp với điều kiện, khả năng nhà trường. Hiện nay, 100% môn học đều xây dựng chủ đề STEM, thực hiện trong các kỳ của năm học. Từ giáo dục STEM, các dự án thi KHKT của Trường THCS thị trấn Yên Ninh được đánh giá cao tại cuộc thi KHKT cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều năm dự án đạt giải nhất cấp tỉnh được chọn dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia.

Học sinh lớp 8D Trường THCS thị trấn Yên Ninh thực hành làm móc khóa từ tiết học STEM môn Công nghệ.

STEM là mô hình giáo dục hiện đại, tích hợp nhiều môn học và kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển theo hướng khoa học. Chính vì vậy, nhiều trường học đã ứng dụng STEM vào chương trình giảng dạy qua việc tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.

Cô giáo Đinh Thị Hải Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học ánh Hòa (Yên Khánh) cho biết: Trường tiểu học Khánh Hòa là một trong 5 trường tiểu học của huyện Yên Khánh đăng kí đưa hoạt động giáo dục STEM vào giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2023-2024. Qua một học kỳ áp dụng mô hình giáo dục STEM tại Trường đã cho thấy: giáo viên nhà trường có năng lực, sáng tạo và tích cực đổi mới; học sinh tham gia nhiệt tình vào các hoạt động giáo dục STEM. Trong đó, Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn bàn bạc, lựa chọn bài học STEM chung cho mỗi khối lớp (các lớp 1; 2; 3; 4 thực hiện từ 11 đến 13 bài học/năm học; lớp 5 thực hiện 2-3 bài học/năm); đồng thời lựa chọn tổ chức các hoạt động STEM theo chủ điểm hoặc lồng ghép hoạt động STEM vào các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống của từng lớp (khối lớp); xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội STEM trong năm học. Các nội dung này đều được xây dựng trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hiện bài học STEM, trải nghiệm STEM, hoạt động nghiên cứu khoa học mang "màu sắc" STEM, học sinh vừa học, vừa chơi giúp học sinh giảm áp lực và nâng cao khả năng tiếp thu, ghi nhớ, vận dụng, sáng tạo từ bài học…

Đối với huyện Yên Khánh, việc triển khai mô hình giáo dục STEM có nhiều thuận lới, đó là cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ cao. Đến nay, có 61/61 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 100% (chuẩn quốc gia mức độ 2 toàn huyện có 54/61 trường). Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cô giáo Phan Thị Thu Hường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh cho biết: Năm học 2022-2023, Phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh triển khai dạy học STEM đến 100% trường trung học cơ sở. Năm học 2023-2024, có 5 trường tiểu học ( Trường Tiểu học Khánh Hòa, Khánh An, Trần Quốc Toản, Khánh Nhạc A, Khánh Thành) thực hiện thí điểm dạy học STEM. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp, quy trình dạy học STEM cho 100% cán bộ quản lý các trường tiểu học, Trung học cơ sở; tổ chức các hoạt động chuyên đề về dạy học STEM cho đội ngũ giáo viên 2 cấp học. Năm học này, cấp Tiểu học ngoài 5 trường dạy thí điểm, các trường còn lại đều dạy chuyên đề tại các khối lớp và mỗi trường trong học kỳ 2 dạy ít nhất 1 bài học STEM.

Nhiều sản phẩm từ các tiết học STEM được các em học sinh tạo ra được trưng bày tại lớp học, trong thư viện và ngoài sân trường; trong đó có nhiều sản phẩm tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ đạt được kết quả cao như: Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng, "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp", cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Tổng kết công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Khánh được Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tặng cờ đơn vị xếp thứ Nhì.

Bài, ảnh: Phương Anh