42 tỷ lượt xem TikTok từ học sinh dù nội dung sai lệch tràn lan

Joshua Martin (23 tuổi) tốt nghiệp ngành Vật lý tại ĐH Stony Brook, có kinh nghiệm một năm làm giáo viên trung học môn Vật lý. Sau video đầu tiên dạy mẹo tính nhanh hồi 2019, TikTok của anh đã thu về 600.000 lượt theo dõi.

Khi Martin phát trực tiếp buổi dạy của mình trên TikTok, hàng chục nghìn người ra vào video của anh trong khi trên 1.000 người vẫn ở lại theo dõi từ đầu đến cuối. Con số này có thể lấp đầy một giảng đường lớn đại học. Sinh viên nào bỏ lỡ buổi phát trực tiếp của Martin nếu muốn theo dõi lại buổi dạy có thể vào kênh YouTube của anh để xem lại.

Tháng vừa rồi, Martin nhận được 0,79 xu từ TikTok cho 115.000 lượt xem nhưng kiếm được tới 500 USD/tháng từ doanh thu quảng cáo trên YouTube. Tuy nhiên, thầy giáo 23 tuổi vẫn phải "dính với" TikTok dù ở đây đầy rẫy thông tin sai lệch khiến anh thất vọng. Nguyên nhân rất đơn giản: TikTok có nhiều học sinh tương lai của anh.

Biết rằng TikTok có nhiều thông tin ngớ ngẩn khiến mình khó chịu, Martin vẫn phải gắn bó với nó vì học sinh của anh dùng mạng xã hội này. Ảnh minh họa: The Information.

Khi người dùng không còn xem TikTok đơn thuần để giải trí, những nội dung liên quan đến học tập cũng như khoa học tăng lên.

Theo công ty phân tích Pentos, hastag #studytok đã thu về 6 tỷ lượt xem. Hastag #LearnOnTikTok là một trong những hastag phổ biến nhất trên TikTok. Những video gắn thẻ này cũng có tới hơn 412 tỷ lượt xem. Kể từ khi Pentos bắt đầu phân tích #LearnOnTikTok hồi tháng 7, số lượng video gắn hastag này đã tăng 15%, nhanh hơn so với các hastag #dance, #meme, #comedy, #makeup và #storytime trong cùng khoảng thời gian.

Đầy rẫy thông tin sai lệch

Theo một cuộc khảo sát của công ty sách giáo khoa McGraw Hill, cứ 4 sinh viên đại học thì có 3 người tìm đến mạng xã hội, chủ yếu là TikTok và YouTube, để được trợ giúp học tập. Tuy nhiên, theo Justin Singh, Giám đốc Chuyển đổi tại McGraw Hill, TikTok tràn lan thông tin sai lệch.

Một nghiên cứu gần đây của trang web theo dõi truyền thông NewsGuard cũng cho thấy 1/5 video trên TikTok về các chủ đề phổ biến chứa nhiều nội dung không đúng. Ngoài ra, kết quả tìm kiếm của TikTok thường kém chính xác hơn Google.

Tốt nghiệp ngành Nhân chủng học y sinh tại ĐH Tulsa, Forrest Valkai (30 tuổi) là chủ một kênh TikTok với 1,4 triệu người theo dõi. Anh đăng nhiều video phản đối các nội dung sai lệch liên quan đến chuyên ngành mình lên TikTok để ngăn chặn chúng lan truyền.

Tháng trước, Valkai lập nhóm với những nhà sáng tạo nội dung khác và thuyết phục TikTok xóa một tài khoản có hàng triệu lượt thích đăng tải các video có nội dung không đúng núp bóng dưới danh nghĩa "lối sống lành mạnh".

"TikTok đã xóa tài khoản này vì có nhiều người báo cáo. Những người theo dõi của kênh này chuyển qua khủng bố tài khoản của tôi bằng cách bình luận những nội dung đại khái như y tế đã lừa họ", Valkai nói.

Theo anh, "TikTok không thể xử lý hết những nội dung vớ vấn về y tế, khoa học, chủng tộc đang tràn lan trên mạng xã hội này".

Không phản hồi về bình luận trên nhưng đại diện của TikTok tháng này cũng đã trả lời NewGuard sẽ hợp tác với những người có kiến thức đáng tin cậy để nâng cao chất lượng nội dung của mình.

TikTok cũng đã xóa hơn 113 triệu video vi phạm nguyên tắc trong quý II/2022, nhưng chưa đến 1% trong số đó bị gỡ do đăng tin nhảm. Phần lớn các video này bị gỡ đăng các nội dung không an toàn với trẻ nhỏ, các hành vi bất hợp pháp hay liên quan đến các nội dung "người lớn".

Nghi ngờ tác dụng

Vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích thực sự của việc xem các video giáo dục kích thước nhỏ đúng đối với học sinh.

Giáo sự tại ĐH Kent Andrew Lepp tỏ ra nghi ngờ khi người dùng sử dụng TikTok như một tài liệu tham khảo có giá trị.

Sau khi thực hiện nghiên cứu tác động của điện thoại di động và mạng xã hội đối với kết quả học tập và sức khỏe, ông cho rằng ứng dụng này gây mất tập trung nhiều hơn là một công cụ học tập có ích. Theo đó, 15 phút sử dụng mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng đang tốt của học sinh.

Theo nghiên cứu của GS Andrew Lepp, mạng xã hội ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng học sinh. Ảnh minh họa: iStock.

Một nghiên cứu khác của ông cũng cho thấy thời gian sử dụng điện thoại di động tỷ lệ nghịch với kết quả học tập. Giáo sư Lepp cho hay không có khả năng sinh viên có thể nghiên cứu sâu về điều gì đó trên TikTok.

"TikTok được thiết kế để bám lấy bạn đến mức không thể buông được. Có thể bạn mở TikTok và học được điều gì đó hay ho liên quan đến ngành học của mình, nhưng tôi cá rằng nhiều người sẽ lại dùng nó để giải trí hay cho bất kỳ mục đích phi giáo dục nào khác", giáo sư Lepp bổ sung rằng mạng xã hội có thể lành mạnh khi người dùng sử dụng nó để kết nối với những người khác cùng làm điều gì đó khi ngoại tuyến.

Linh Thùy