Australia tài trợ hơn 169 tỷ đồng giúp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam

Bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Đây là thông tin được bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, thông báo tại Lễ tổng kết dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19”; ký kết dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025” diễn ra vào ngày 24/5 ở văn phòng Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Tại sự kiện, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết: “Trong một năm qua tất cả các quốc gia đã học được rằng ứng phó toàn diện với đại dịch có nghĩa là ứng phó với những thách thức mà phụ nữ, trẻ em phải đối mặt và đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Chính phủ Australia vui mừng thông báo về số tiền 9,5 triệu đô la Australia cho một sáng kiến mới kéo dài 4 năm với Việt Nam và các đối tác của Liên hợp quốc, nhằm hỗ trợ chấm dứt bạo lực ở phụ nữ và trẻ em”.

Theo Đại sứ Robyn Mudie, trong vòng 4 năm tới, chương trình sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa, nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Chương trình cũng sẽ tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

“Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận thực tế và dài hạn này sẽ tạo ra sự khác biệt đối với những việc mà chúng ta biết là cần thiết và phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và họ sẽ được sự giúp đỡ khi họ cần”, Đại sứ Robyn Mudie nhấn mạnh.

Dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” sẽ được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025. Dự án này nhằm đạt được một mục tiêu là tất cả phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có một cuộc sống không bị bạo lực thông qua các chiến lược phòng ngừa được tăng cường và các biện pháp ứng phó đa ngành.

Dự án hướng đến các kết quả: thúc đẩy luật pháp, chính sách dựa trên bằng chứng, tăng cường phân bổ nguồn lực, cơ chế phối hợp cũng như trách nhiệm giải trình nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết quốc gia, quốc tế; ứng phó đa ngành được củng cố, hiệu quả hơn (bao gồm hệ thống, năng lực, cung cấp dịch vụ) giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân và người sống sót sau bạo lực. Những kết quả khác dự án hướng đến là phòng ngừa bạo lực hiệu quả hơn, thúc đẩy thay đổi chuẩn mực giới và xã hội thông qua truyền thông sáng tạo dựa trên bằng chứng, nâng cao nhận thức, huy động cộng đồng; cải thiện nghiên cứu, thu thập, phân tích dữ liệu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực.

“Dự án mà chúng tôi công bố hôm nay cho thấy sự hợp tác tuyệt vời giữa Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Không có cách nào để Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đó là việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều là một phần của quá trình phát triển bền vững của đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết.

Trước dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, Chính phủ Australia đã tài trợ cho dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19” do ba cơ quan của Liên hợp quốc là UNFPA, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp thực hiện cùng các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và các bên liên quan khác.

Việt Đức (TTXVN)