Ba động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD_Ảnh: TL

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Thứ nhất là về xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn. Mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp.

Xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, giá gạo vẫn ở mức cao và không thể giảm do lượng lúa gạo trên thế giới khan hiếm dần. Việt Nam đang nắm giữ cơ hội về xuất khẩu gạo do nhu cầu gạo của các nước trên thế giới rất nhiều, trong đó có các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia và Trung Quốc.

Điểm sáng nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu là cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư đạt gần 26 tỷ USD (tháng 11-2023) - mức tăng ấn tượng, giúp hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích hơn 350 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn bị giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.

Thứ hai là về đầu tư. Cùng với xuất khẩu, đầu tư là động lực tăng trưởng lớn, đóng góp quan trong vào nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng hiện tại mà cho cả các năm tiếp theo.

Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tuy vẫn được duy trì, nhưng chưa thực sự chắc chắn do tâm lý của các nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế thế giới chưa ổn định. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thu hút vốn FDI tăng trưởng khá, giải ngân FDI cao. Thu hút FDI phục hồi nhờ sự gia tăng đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn rất tích cực, cùng sự tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, giúp Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI trong quá trình định hình lại đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% (tháng 11-2023). Dự báo vốn FDI giải ngân vào Việt Nam sẽ đạt mức cao, góp phần quan trọng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Vốn FDI cải thiện sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam có nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo khá tốt so với các nước trong khu vực, chi phí lương cho công nhân ngành sản xuất thấp... Những điều đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia. Nhiều công ty có chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm bớt khả năng bị thiệt hại bởi gián đoạn nguồn cung do các xung đột địa - chính trị. Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc khi chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực ASEAN.

Thứ ba là về tiêu dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với khó khăn và xu hướng cắt giảm chi tiêu toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao và cải thiện các hoạt động thương mại.

Trong tiêu dùng, lĩnh vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, là động lực chính của nền kinh tế. Các hoạt động dịch vụ, tiêu dùng tiếp tục phát triển ổn định. Du lịch nội địa và du lịch quốc tế, tài chính - ngân hàng,... tăng trưởng khá. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2% (tháng 10-2023).

Tiêu dùng nội địa có mức tăng trưởng khá nhờ hàng loạt chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích tăng tiêu dùng như chính sách giảm thuế VAT 2% (tháng 7-2023), chính sách tăng tiền lương cơ bản, kích cầu du lịch nội địa. Đây là những nhân tố kích cầu tiêu dùng do tăng thu nhập. Chính phủ thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội)_Ảnh: vietnamplus.vn

Kết quả và dự báo

Các động lực thúc đẩy trên đã duy trì tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, năm 2023, kinh tế Việt Nam dự báo tăng khoảng 5 - 5,5%, bình quân đạt 5,4% trong giai đoạn 2021 - 2023, cao gấp 1,7 lần mức bình quân của thế giới (3,2%). Những động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế (mức đầu FDI và xuất khẩu) vẫn tiếp tục được duy trì.

Hai là, lạm phát được kiềm chế ổn định. Việt Nam đã vượt qua “cơn gió ngược” về lạm phát, hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát khi lãi suất ngân hàng đang được điều chỉnh giảm.

Ba là, trong 11 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỉ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Đây là sự chuyển biến đáng ghi nhận, đạt kết quả tốt hơn năm 2022.

Bốn là, hoạt động kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, tạo cơ sở quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiếp đà của năm 2023, dự báo những động lực chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2024 bao gồm:

Thứ nhất, phục hồi hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ ngày càng được phát triển nhờ lạm phát giảm, đơn đặt hàng ở bên ngoài tăng. Xuất khẩu phục hồi kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Vốn FDI tiếp tục tăng góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi sản xuất và xuất khẩu.

Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng nội địa được khuyến khích. Nhờ tiền lương được cải thiện và sự hồi phục của ngành công nghiệp tác động kích thích chi tiêu, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Cải cách tiền lương (từ ngày 1-7-2024) và gói kích thích tài chính của chính phủ đã hỗ trợ nền kinh tế và giúp nâng cao cuộc sống người dân.

Thứ ba, thị trường bất động sản được khôi phục. Chính phủ đã và đang xử lý tích cực những vướng mắc pháp lý liên quan đến kinh doanh bất động sản, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của các chủ thể trên thị trường bất động sản. Lãi suất thấp, thị trường trái phiếu ấm lên sẽ là cơ hội tốt cho thị trường bất động sản phát triển.

Thứ tư, sự tăng trưởng trở lại của đầu tư tư nhân. Nhờ có nhiều dự án mới và việc mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của đơn hàng xuất khẩu cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, làn sóng đầu tư tư nhân mới sẽ được hình thành và thúc đẩy phát triển.

Quy mô thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong năm 2025. Với đà phục hồi kinh tế tốt hơn, cung tiền và vòng quay tiền được cải thiện, lạm phát và giá cả thế giới (đặc biệt giá năng lượng) giảm, mặc dù còn ở mức cao, chỉ số CPI bình quân của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3,5 - 4% năm 2024.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng Sản