Nhiều hệ lụy do biến đổi khí hậu
Khí hậu biến đổi, nhiệt độ trái đất đang nóng lên, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường gia tăng... thể hiện rõ qua những đợt khô hạn khốc liệt; nhiều cơn bão bất thường với cường độ mạnh, phạm vi rộng, thời gian kéo dài; các đợt mưa lũ gây sạt lở bờ biển... Riêng khu vực ven biển còn xuất hiện thêm một số loại hình thiên tai khác như triều cường, xâm nhập mặn... đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Năm 2019 - 2020, các tình nguyện viên và người dân xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã thu gom hơn 90 tấn rác thải trên đường bờ biển dài chưa đến 2km. Ảnh: Ý THU
Tại phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), năm 2016, kè Sa Huỳnh bị sạt lở không chỉ đe dọa an toàn tính mạng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế. “Mỗi mùa mưa bão đi qua là nhà cửa, hàng quán bị hư hỏng, nên tốn tiền sửa chữa. Kè Sa Huỳnh bị sạt lở, xói sâu vào đường, nên người dân hạn chế đi lại. Điều này khiến cửa hàng buôn bán ế ẩm, gia đình mất nguồn thu nhập”, bà Trần Thị Nguyệt cho biết.
Còn tại vùng biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), hiện tượng xâm thực bờ biển và xói lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp nhiều công trình và đe dọa cuộc sống, nhà cửa người dân. Đặc biệt, nhiều điểm sạt lở tiến sát khu dân cư, làm mất đất sản xuất nông nghiệp và cuốn trôi một phần rừng dương liễu ven biển. Không chỉ Sa Huỳnh, Mỹ Khê, mà theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 17,6km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều điểm bị xói lở và xâm thực sâu 20 - 30m.
Tại huyện Lý Sơn, nắng nóng kéo dài, nhưng tổng lượng mưa ít, khiến nguồn nước ngầm suy kiệt, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như sinh kế người dân. Theo Sở TN&MT, nhiều khu vực nước ngầm trên địa bàn huyện Lý Sơn hiện đã bị nhiễm mặn gần như hoàn toàn. Điều này khiến hoạt động sản xuất, cũng như sinh hoạt của người dân huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn. Để giữ và khôi phục hệ thống nước ngọt ngầm, huyện Lý Sơn đang tăng cường giám sát việc khoan giếng, đào giếng của người dân. Bởi từ năm 2012 - 2021, số lượng giếng khoan, giếng đào trên địa bàn huyện tăng từ 546 giếng lên 2.200 giếng.
Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay (8.6) được lấy thông điệp là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” nhằm làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên trái đất. Hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 cũng lấy chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.
Báo động ô nhiễm môi trường biển
Tại bãi biển thuộc địa phận thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), từ tháng 4 - 5.2021, hàng nghìn tình nguyện viên, người dân địa phương ra quân dọn rác thải và đã thu gom được 27 tấn rác thải nhựa. Đây là lượng rác thải tích tụ từ nhiều năm và vùi sâu dưới cát, khiến môi trường tại cửa biển này bị ô nhiễm nặng.
Trước đó, từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020, sau gần 1 năm triển khai chiến dịch “Tử tế với Sa Cần” tại cửa biển Sa Cần, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), các tình nguyện viên và người dân xã Bình Thạnh đã thu gom hơn 90 tấn rác thải trên đường bờ biển dài chưa đến 2km...
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây xói lở nhiều điểm dọc biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: MỸ HOA
Không chỉ ô nhiễm do vấn nạn rác thải, mà môi trường tại nhiều vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh còn đang bị suy thoái nghiêm trọng, do tác động từ các hoạt động kinh tế như nuôi trồng thủy sản, neo trú tàu thuyền... Theo kết quả quan trắc chất lượng nước biển hằng năm do Sở TN&MT thực hiện, thì trong năm 2019, nước biển ven bờ tại Cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), Sa Kỳ (Bình Sơn) đều có hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng dầu mỡ vượt giới hạn cho phép. Năm 2020, vùng nước biển ven bờ tại các vùng nuôi trồng thủy sản như phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), xã Đức Phong, Đức Chánh (Mộ Đức)... đều có lượng amoni tổng số (NH4+-N) vượt ngưỡng so với quy định.
“Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế nuôi trồng thủy sản, nhưng phần vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, phần do không được quy hoạch, nên người dân nuôi tự phát. Đáng lo ngại là hệ thống cấp và thoát nước chung chưa được đầu tư đồng bộ, nên không đảm bảo an toàn môi trường nuôi và gây ô nhiễm môi trường biển”, Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương đánh giá.
Cần giải pháp căn cơ
Không chỉ đối mặt với nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, sinh kế của cư dân ven biển trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Nhiều ngư dân tại các xã ven biển huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ phản ánh trong 10 năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ tại địa phương đã và đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, khiến nhiều ngư dân tại xã Đức Lợi (Mộ Đức), phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) phải đưa tàu đến các tỉnh, thành khác để mưu sinh.
Bờ biển ô nhiễm vì chất thải từ hồ nuôi tôm trên cát tại phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ). Ảnh: Ý THU
Không chỉ nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt, mà các ngư dân đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn do sản lượng đánh bắt dần giảm sút. Từ năm 2019 đến nay, hàng trăm chủ tàu hành nghề giã cào trên địa bàn tỉnh buộc phải cho tàu nằm bờ, hoặc bán tàu vì đánh bắt không hiệu quả. Ngoài ra, nhiều chủ tàu làm nghề câu cá hố vùng khơi cũng phải chuyển nghề, vì sản lượng sụt giảm.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng, để phục hồi được nguồn lợi thủy sản, cần có những giải pháp căn cơ, ưu tiên cho hoạt động bảo tồn. Bởi nếu không hạn chế được hoạt động khai thác, thì khó đạt được hiệu quả bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Như tại Lý Sơn, dù đã thành lập được Khu bảo tồn biển hơn 4 năm, nhưng do chưa giải quyết được việc chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ ở huyện đảo, nên việc bảo tồn, phục hồi nguồn lợi vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Cũng theo ông Dũng, từ đầu năm đến nay, sau 349 lượt tuần tra, kiểm soát trên biển và bờ biển xung quanh Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã phát hiện và ghi nhận đến 301 lượt ca nô, 13 lượt thúng, 24 lượt người lặn ốc; 81 lượt bè hút cát; 24 thúng, 1.577 người hái rong biển; 348 lượt tàu, 512 lượt thuyền, 4.050 lượt cano, 3.831 lượt thúng neo đậu... trong phạm vi khu bảo tồn.
Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Phan Huy Hoàng cho hay: Muốn phát triển bền vững sinh kế biển, phải bảo vệ được đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Trong đó, cấp bách nhất là ngành nông nghiệp tỉnh phải nhanh chóng xác định, công bố vùng biển ven bờ cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi. Mặt khác, phải giảm được số lượng tàu giã cào. Bởi các tàu này không chỉ đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, mà còn phá hủy hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển... gây sụt giảm đa dạng sinh học và mất đi môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản, dẫn tới hệ lụy là nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục đang thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm của tỉnh. Sau đó, Chi cục sẽ đánh giá, đề xuất các giải pháp quản lý, điều chỉnh, sắp xếp cơ cấu nghề khai thác, bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.