Bảo vệ trẻ em trước những thông tin xấu, độc trên Internet

Nhiều nội dung không phù hợp

Trước đây, chị L.M.V, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên cho con mình xem kênh Youtube Thơ Nguyễn, vì được giới thiệu là kênh giải trí dành cho trẻ em gồm nội dung về đồ chơi, hướng dẫn cách nấu các món ăn đơn giản... Con của chị V rất thích thú với kênh này.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên sau đó, nhiều phụ huynh bức xúc khi Thơ Nguyễn, người sở hữu kênh Youtube hơn 8 triệu lượt theo dõi, đã đăng tải clip xin “vía” học giỏi từ búp bê ma, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, truyền bá mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến đối tượng tiếp nhận là trẻ em. Ngay lập tức, chị V vào kênh Thơ Nguyễn tìm hiểu thì được biết, ngoài những nội dung giải trí, trải nghiệm của nhân vật cũng có không ít các thông tin không phù hợp với trẻ em... "Sau lần tìm hiểu đó, tôi không cho con xem các kênh như thế nữa”, chị V nói.

Dư luận cũng từng xôn xao về các kênh Youtube thu hút hàng triệu lượt xem, với nội dung xoay quanh các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng mà trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, công chúa Bạch Tuyết, người nhện (Spiderman)... do các diễn viên hóa trang diễn lại những hành động ngoài đời thường. Các kênh Youtube này khiến phụ huynh lo ngại khi đăng tải hàng loạt clip có những chi tiết không phù hợp như việc công chúa Elsa mặc bikini cắt xẻ táo bạo hay hành động nhào lộn, phi nhảy từ trên cao xuống của nhân vật người nhện. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh hoang mang khi thấy con có biểu hiện nghiện mạng xã hội và làm theo các nhân vật trong video.

Hướng dẫn và giám sát trẻ sử dụng internet

Thời gian qua, đã có không ít văn bản luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể, Điều 35 Nghị định 56/2017/NĐ-CP, ngày 29.5.2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em; phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Quy định xử phạt về việc sử dụng, cung cấp, chia sẻ thông tin xấu, độc trên môi trường không gian mạng cũng được ban hành tương đối nghiêm khắc. Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định những hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn... sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng...

Theo Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản (Sở TT&TT) Huỳnh Thị Thu Thủy, để hạn chế và ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, thời gian qua, Sở TT&TT đã hướng dẫn các cấp, ngành cùng hệ thống truyền thanh cơ sở trong truyền thông đảm bảo quyền trẻ em; giáo dục, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng an toàn và trở thành công dân có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, phòng tránh việc xâm hại, lạm dụng trên môi trường mạng.

Đặc biệt, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, cùng nhau lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc. Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng, từ đó tạo lá chắn phòng, chống hữu hiệu hơn...

TRUNG ÂN