Bình Đại chú trọng phát triển kinh tế biển

(Ảnh minh họa của: Hoàng Trung)

Với 27 km bờ biển, huyện Bình Đại có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, như: nuôi trồng, đánh bắt, hệ thống cảng cá, cảng biển, du lịch, năng lượng… Xuất phát từ lợi thế tự nhiên, cùng với quán triệt tinh thần, ý nghĩa của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; những năm qua huyện Bình Đại luôn chú trọng việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm lồng ghép, phát triển hài hòa trên tất cả các lĩnh vực, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển chung của tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, trong đó định hướng và đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các xã bãi ngang, ven biển.

Cùng với đó tận dụng nguồn lợi, huyện đã quan tâm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thủy sản. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản hằng năm trên 18.000 ha, sản lượng đạt trên 70.000 tấn; đoàn tàu đánh bắt duy trì 1.160 chiếc, trong đó có 598 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 80.000 tấn; các loại hình dịch vụ (dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch) được tập trung phát triển… Những kết quả đó đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện, giá trị sản xuất các khu vực đều tăng vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, trong đó giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm tăng 7,31%, đạt 146,2% Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm; đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, đánh giá từ huyện Bình Đại cho biết: Mặc dù việc phát triển kinh tế biển đã đạt những kết quả bước đầu nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khó khăn về phát triển kinh tế biển trong thời gian qua và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre; huyện Bình Đại xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục và tập trung thực hiện góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh nói chung, của huyện nói riêng phát triển bền vững.

Để trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển, huyện tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao và bền vững, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, chú trọng sản xuất thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế đột phá nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ biển và khu vực ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Bình Đại đạt 18.000 ha (diện tích nuôi toàn tỉnh là 40.000 ha), trong đó nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2000 ha; tổng sản lượng nuôi thủy sản 100.000 tấn/năm.

Cùng với đó, huyện mở rộng và phát huy hiệu quả hoạt động của Cảng cá Bình Đại. Khuyến khích đầu tư phát triển khai thác thủy sản xa bờ, cơ giới hóa trong khai thác; ưu tiên trong phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo thông qua công tác xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời… đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện để đấu nối các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo vùng ven biển. Đến năm 2025, đưa vào sử dụng nguồn năng lượng tái tạo mới công suất khoảng 258 Mw; đẩy mạnh kết hợp phát triển du lịch biển…

Bên cạnh nuôi trồng, Bình Đại đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư vào khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của huyện. Hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, sản xuất thiết bị phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản./.

Khánh Vy