Bố tôi

Bông Sen trên đầm nước Vân Long - Ảnh: Đỗ Quyên Hoa

Tôi từ lâu muốn viết về bố mình. Tôi đã từng nghĩ: ”Bố mình có gì đặc biệt không nhỉ?”. Theo tôi thì bố là người đặc biệt đối với tôi. Điều đặc biệt đầu tiên là chuyện về đời binh nghiệp. Bố tôi đi bộ đội vì đói. Nhà ông nội tôi bị đấu tố lên địa chủ, tịch thu hết ruộng đất, nhà cửa, có cả chết người. Bố tôi khi đó theo người anh trai cả là bác tôi, lên thị xã (thành phố Thanh Hóa bây giờ) đi học. Xe tuyển binh lăn bánh rời thị xã, cứ thấy có một thiếu niên chạy bám theo, chạy miết và không thấy dấu hiệu bỏ cuộc. Vị chỉ huy bèn lệnh cho lái xe dừng lại và qua vài câu hỏi, đã cho bố tôi lên xe. Thế là bố tôi thành lính không qua tuyển chọn. Quần áo, tư trang phải cả tuần sau mới được phát.

Bố tôi khái quát thành tích chinh chiến của mình rất ngắn gọn: “Bố đánh hai trận chủ yếu, một trận thắng và một trận thua!”.

Trận thắng là trận đánh oanh liệt chấn động địa cầu- Điện Biên Phủ. Bố là một trong vài chiến sỹ trẻ măng xông vào hầm tướng Đờ- Cát. Kỉ vật còn lại ông vẫn giữ là khẩu súng ngắn bé xíu cùng ba viên đạn, không biết có phải của ông tướng thất trận người Pháp kia hay không!

Còn trận thua, bố tôi thừa nhận thua! Ông thoát chết và mang trên mình rất nhiều mảnh đạn trở về. Trận thua ấy cũng nổi tiếng không kém và từng được một tổng thống Mỹ vỗ ngực tự hào. Trận Khe Sanh!

Khe Sanh mà là khe tử! Bố tôi nói vậy!

Rất nhiều trận đánh mà tôi nghe bố kể, lần nào tôi cũng khóc! Bố kể có những đêm hành quân vừa đi vừa ngủ vì quá mệt. Chỉ cần người đi đầu hàng quân dừng lại ngủ là cả đoàn dừng theo ngủ đứng. Nhận địa điểm trận đánh, lệnh đào hầm, khi bố đi kiểm tra, thấy các chàng lính trẻ đào được mấy xẻng, đặt vừa cái mông xuống đã ngáy ầm ầm. Có những trận vừa qua loạt hỏa lực địch, bố bò đi kiểm tra đã không còn sót một ai, có người lính trẻ súng chưa kịp lên đạn. Tôi khóc mãi.

Bố đem chiến lợi phẩm về là một nửa mảnh chăn dù Mỹ lót bông hóa học. Bố nói đó là một cô thanh niên xung phong chia ra và khâu tay hộ. Mảnh chăn có tới hơn chục lỗ thủng thò vừa ngón chân cái. Tôi hỏi, bố giải thích đó là vết đạn. Vết đạn nào cũng gây đau và chết người!

Rồi đến cái trận đánh khốc liệt làm bố tôi bị thương ấy. Ông kể, thường hãn hữu lắm mới nhận lệnh chỉ huy bằng giấy để đảm bảo bí mật. Nhưng bên thông tin của ta thiệt hại nặng nề. Bố nhận lệnh đánh trận bằng giấy viết tay. Rời hầm chỉ huy chừng ít phút thì căn hầm đó trúng pháo. Bố tôi cũng ngã xuống cùng cái lệnh đánh thấm đẫm máu mình. Tờ giấy ấy hiện mẹ tôi vẫn cất giữ nghiêm cẩn.

Khi bố tôi về học khóa 2- năm 1960, khoa Toán đại học sư phạm Vinh, một lần tướng Chu Huy Mân đi qua đã tìm bố tôi. (Hồi trên Tây Bắc, bố tôi có dạy bổ túc văn hóa cho ông). Rồi gần đây, khi cả tướng và quân đã già, họ còn gặp nhau tại nhà riêng ông tướng tại Hà Nội, là lính đi thăm chỉ huy của mình. Tướng Chu Huy Mân cứ cầm tay người lính già mà cười mà lắc lắc: “Đánh Khe Sanh mà không chết, mà về! Giỏi!”. Mới thấy cái lễ nghĩa thầy trò ngày trước nó thiêng liêng làm sao! Một ông tướng ba sao đi tìm người lính hàm thiếu úy để tri ân!

Năm 1965 bố cưới mẹ! Cưới được mẹ tôi, hoa khôi Việt kiều Thái Lan về nước cũng là một kì tích. Ông ngoại tôi đặc biệt thương bố tôi, anh lính trận mạc vào sinh ra tử. Bố tôi kể, có lần ông ngoại tôi kì lưng cho bố, ông ngoại nói nhỏ: “Lưng anh sạm thuốc súng rồi!”. Và sau đó, ông tôi nhất định chỉ gả con gái cho người lính ấy.

Đám cưới vào đúng ngày thành lập Vệ quốc quân 22/12. Tăng bạt bịt kín, chỉ ngọn đèn măng sông cũng được che chắn, ánh sáng như hạt đỗ. Cưới như trong thơ Hữu Loan:

“ ...Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới

Tôi bận đồ quân nhân

Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân...”

Và:

“ Tôi ở đơn vị về

Cưới nhau xong là đi...”

Bố tôi nhận lệnh tập trung hành quân vào Nam ngay sau đám cưới!

Mẹ tôi đưa tiễn chồng đến nơi tập kết, cách cơ quan mẹ mấy chục cây số bằng xe đạp. Bà kể: “Ông ấy dặn mẹ hãy chờ anh vào báo cáo đã có mặt, rồi anh ra!”. Mẹ tôi cứ chờ, chờ mãi cho đến gần nửa đêm, màn đêm hoang vắng, xa lạ một vùng đất không quen thời chiến. Bà lóc cóc đạp xe về, vừa đi vừa khóc. Mẹ tôi đâu biết bố tôi vào doanh trại là chuẩn bị quân tư trang đi ngay trong đêm đó. Rồi 1967 tôi chào đời. Mẹ tôi nhận được đúng 1 tháng lương của bố tôi nuôi con. Sau đó, người vợ trẻ nhận được một lá thư (không phải chữ của bố tôi) với nội dung: “Em ạ, anh vào sâu chiến trường nên lương của anh tạm dừng chuyển cho em.”. Ngày ấy mà đã có kẻ khốn làm chính sách, ăn chặn xương máu chiến sỹ!

Sau bị thương, bố tôi về hưu luôn. Nhà ông nội tôi được sửa sai, không thuộc thành phần địa chủ nữa, nhưng bố tôi biết vẫn khó mà phát triển, thăng tiến trên con đường binh nghiệp. Ngay chuyện kết nạp Đảng cũng còn khó khăn. Khó đến mức tướng Chu Huy Mân phải ra chỉ thị kết nạp bố tôi, không qua điều tra lí lịch, thành phần nữa, vì điều tra quá nhiều lần rồi.

Bố tôi về với mẹ tôi, người vợ mà ông một đời yêu quý, trân trọng. Bốn em tôi lần lượt ra đời, được học hành tử tế, mẹ tôi tảo tần và bố tôi kèm cặp.

Tôi đưa Thịnh về cho bố tôi. Ông khoái chàng lính Thịnh ra mặt! Có lần ông nói với riêng tôi: “Con Hiền, con tìm được thằng Thịnh rất được! Bố quý nó!”. Và bố cũng như ông ngoại tôi, nhất quyết chỉ gả tôi cho Thịnh! Cũng là tôi đã tìm được người đàm đạo thơ văn với bố!

Đỗ Quyên Hoa