Bộ Y tế quy định 4 mức độ nguy cơ trên bản đồ dịch Covid-19

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vừa ban hành Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch Covid-19. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng các sự kiện y tế công cộng, là một trong những thành viên soạn thảo quy định này.

Chia sẻ với Zing, chuyên gia này cho hay nhóm soạn thảo dựa trên Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng nên quy định này.

"Quy định đã được gửi tới các địa phương để triển khai. Các nội dung này tiện lợi cho địa phương để đánh giá, biết được nguy cơ địa bàn như thế nào để triển khai đáp ứng phù hợp", ông Phu nói.

4 mức độ nguy cơ

Theo ông Phu, điểm mới của quy định này là bản đồ chống dịch - được hình thành dựa trên các dữ liệu bắt buộc phải cập nhật từ cấp xã trở lên và dữ liệu được tập hợp từ nguồn có sẵn. 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc. Cách xác định mức nguy cơ:

Giải pháp đối với từng mức độ nguy cơ

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra các giải pháp tương ứng với từng mức độ nguy cơ. Cụ thể:

Đối với mức "Bình thường mới":

- Với cá nhân: Thực hiện nghiêm 5K.

- Với tổ chức, đơn vị: Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn của Bộ Y tế, tự đánh giá và cập nhật trên hệ thống antoancovid.vn.

- Với chính quyền: Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, không cho phép tổ chức không đảm bảo an toàn hoạt động.

Đối với mức "Nguy cơ":

Ngoài giải pháp như mức "Bình thường mới", phải thực hiện:

- Truy vết, khoanh vùng, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dễ bị lây nhiễm như: vũ trường, karaoke, quán bar, massage...

- Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với người có nguy cơ.

- Hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đối với các sự kiện bắt buộc tổ chức, phải đảm bảo đầy đủ quy định của cơ quan y tế trên địa bàn. Lễ hiếu, hỉ, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được cơ quan y tế giám sát chặt chẽ và hạn chế tổ chức ăn uống.

Đối với mức "Nguy cơ cao":

Ngoài biện pháp như mức "Nguy cơ", phải thực hiện:

- Dừng hoạt động tập trung từ 30 người trở lên, trường hợp cần thiết phải tổ chức cần được cấp tỉnh hoặc Trung ương cho phép. Cơ quan, cá nhân tổ chức phải chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m tại nơi công cộng.

- Giảm mật độ giao thông, số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến.

- Điều chỉnh lịch học, trường hợp vượt quá khung kế hoạch thời gian năm học phải thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với toàn bộ người dân trên địa bàn.

Đối với mức "Nguy cơ rất cao":

Ngoài giải pháp như mức "Nguy cơ cao", phải thực hiện:

- Đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly y tế (phong tỏa) vùng có dịch Covid-19 theo quy định.

- Áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là người có tiếp xúc gần phải cách ly tập trung (F1) lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân). Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định.

Các tỉnh có thể căn cứ vào các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu trên địa bàn. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

- Áp dụng các hoạt động giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày trên phạm vi toàn địa bàn, cụ thể:

+ Dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ hoạt động thiết yếu như nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

+ Tổ chức lại sản xuất tại các khu công nghiệp đảm bảo công tác phòng, chống dịch với những nhà máy, xí nghiệp lớn mang tính toàn cầu.

+ Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Phải dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp nếu không đảm bảo an toàn.

+ Dừng hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí, tôn giáo tín ngưỡng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

+ Không tập trung từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

+ Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi chính quyền cho phép.

- Không ngăn sông cấm chợ. Các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.

Cách thực hiện

Theo quy định, UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với những mức nguy cơ được nêu ở trên. Trường hợp áp dụng các biện pháp ở mức "Nguy cơ rất cao" trên phạm vi toàn tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các địa phương, bộ ngành liên quan phối hợp.

Tỉnh có phương án đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực ở mức "Nguy cơ rất cao".

Bên cạnh đó, Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch trên thế giới, trong nước và địa bàn từng tỉnh kịp thời khuyến cáo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh có sự chuẩn bị để chủ động ứng phó có hiệu quả.

Bộ bám sát tình hình tại các địa phương, trường hợp các tỉnh có đề nghị áp dụng mức độ cao nhất trên quy mô toàn tỉnh. Trường hợp nhận thấy cần áp dụng mức "Nguy cơ rất cao" trên địa bàn toàn tỉnh mà tỉnh chưa có báo cáo, Bộ Y tế chủ động bàn với tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Y tế chủ động báo cáo, đề xuất phương án áp dụng mức "Nguy cơ cao" hoặc mức "Nguy cơ rất cao" trên phạm vi toàn quốc.

Hà Quyên - Phương Mai