Cách thành công của người thích an nhàn

Nếu ở Nhật Bản, văn hóa làm việc chăm chỉ được xem là tiêu chuẩn, thì Hiroyuki Nishimura có thể được xem là một nhà khởi nghiệp không giống ai. Hiroyuki sinh năm 1976, là người sáng lập diễn đàn 2channel và trang Nico Nico Douga - được coi như YouTube của Nhật Bản. Anh cũng đang quản lý diễn đàn ẩn danh lớn nhất trong cộng đồng nói tiếng Anh và có cuộc sống thoải mái ở Paris.

Khác với phần lớn những trường hợp khởi nghiệp thành công, Hiroyuki không kể chuyện về sự kiên trì sau nhiều lần thất bại, hoài bão to lớn, hay những kế hoạch cùng ý tưởng phi thường. Câu chuyện của Hiroyuki là câu chuyện về một thành công nhàn nhã với lối tư duy độc đáo, chứa đựng nhiều gợi ý hữu ích cho người muốn khởi nghiệp.

Hiroyuki Nishimura (thứ hai từ phải qua) tại Tokyo năm 2022. Ảnh: NYT.

Thành công kiểu “trật đường ray”

Lớn lên trong một khu tập thể nghèo, Hiroyuki sớm nhận ra ngay cả khi nhiều người không đi làm, cuộc sống không dư giả nhưng họ vẫn có thể sống một cuộc đời thảnh thơi, hạnh phúc, đồng thời hình thành văn hóa tương trợ lẫn nhau.

“Một khi đã sở hữu của cải hay tiền bạc thì con người sẽ muốn bảo vệ chúng. Cả những thứ vô hình như địa vị hay danh dự nữa. Chúng ta đang vô tình thiết lập một giới hạn tối thiểu tự lúc nào chẳng hay. Còn với những cư dân của khu tập thể Kirigaoka, do giới hạn nằm ở mức thấp, những thứ cần bảo vệ cũng chẳng là bao nên họ sống rất thảnh thơi”, anh viết.

Môi trường sống đặc biệt tại khu tập thể lẫn trong gia đình đã hình thành nên một Hiroyuki vô tư, không quan tâm nhiều đến tiền bạc và danh vọng. Bởi dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng chưa từng thấy ai phải chết đói bao giờ.

Thay vào đó, Hiroyuki luôn xác định rõ mình là ai và mình muốn gì. Là người tò mò, anh lựa chọn trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ. Không thích vất vả, anh cho mình nhiều thời gian rảnh rỗi. Không thích đấu đá, anh chọn lĩnh vực ít cạnh tranh. Không thích làm, anh chọn suy nghĩ sâu sắc.

Xác định những công việc bàn giấy chưa chắc đem lại sự ổn định, Hiroyuki không theo đuổi vị trí công chức mà nhiều người Nhật mơ ước. Thay vào đó, anh quyết định khởi nghiệp vì rảnh rỗi và tâm lý muốn thử xem sao. Nhận thấy nhu cầu được nói lên ý kiến của mọi người, anh mượn ý tưởng của người khác và xây dựng diễn đàn ẩn danh 2channel. Vì diễn đàn ẩn danh hay gặp phiền toái liên quan tới pháp luật nên ít có sự cạnh tranh, anh đã đặt cược vào lĩnh vực thưa thớt này và liên tiếp gặt được thành công.

Tư duy thay vì nỗ lực

Cuốn sách 1% nỗ lực ghi lại những suy tư của Hiroyuki về quan điểm sống, cách anh lựa chọn con đường phù hợp với bản thân, nắm bắt cơ hội do thời thế mang lại và luôn cố gắng tìm giải pháp cần ít nỗ lực nhất. “Sách này thừa nhận thành công là nhờ ngẫu nhiên, và cùng bạn tìm kiếm 1% nỗ lực để thực hiện phần có thể thay đổi được nhờ vào tư duy”, Hiroyuki khẳng định.

Mở đầu cuốn sách, tác giả đưa ra thực tế phũ phàng khi cho rằng có những khoảng cách không bao giờ lấp đầy được chỉ bằng nỗ lực: những người sinh ra với địa vị và tài nguyên tốt hơn hoặc với gene di truyền tốt hơn... Một khi đã thừa nhận thực tế đó, những người như Hiroyuki chấp nhận hoàn cảnh và bắt đầu tìm cách để có cách để sống tốt hơn thay vì nỗ lực sai hướng. Nói cách khác: Trước khi nỗ lực, hãy dành thời gian để cân nhắc và lựa chọn.

Cuốn sách 1% nỗ lực được viết bởi Hiroyuki. Ảnh: NXB Trẻ.

Với hơn 200 trang sách, Hiroyuki đưa ra nhiều lối suy nghĩ mới, đi ngược lại với thói quen thông thường của người Nhật bởi anh cho rằng “có thể những lẽ thường đang ngăn cản bạn suy nghĩ linh hoạt”. Những trải nghiệm, suy tư của Hiroyuki mang đến đều hướng đến một mục tiêu chính là trả lời những câu hỏi: Lúc nào nên cố gắng? Lúc nào nên buông bỏ? Điều gì có thể thay đổi để giúp cuộc đời nhàn nhã hơn?

Tất nhiên, Hiroyuki không cố gắng khuyên mọi người từ bỏ làm việc, mà khuyến khích độc giả cần thức thời, tìm hiểu thật rõ về thời đại mình đang sống, nắm được những khuynh hướng hiện thời và sắp tới.

Anh cũng chỉ ra nhiều bí quyết để có thể vừa làm việc, vừa tận hưởng cuộc sống như rèn luyện tính tháo vát, kinh nghiệm quản lý công việc, thói quen tra cứu cặn kẽ, xem sự hiểu biết là sức mạnh, biết lên tiếng cho quyền lợi của bản thân…

“Có thể có nhiều người không nhận ra rằng cuối cùng rồi họ cũng sẽ chết. Ngay cả khi bạn cho rằng mình sẽ hoàn toàn tự do ở tuổi 80, nhưng vào lúc đó, cơ thể bạn có thể không còn cử động được nữa. Quan trọng là phải nghĩ về cách sử dụng thời gian trong cuộc sống của mình một cách có ý nghĩa. Hãy ưu tiên những việc quan trọng nhất của mình”, Hiroyuki chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.

Đông Miên