Cán bộ ngoại giao trẻ: Động lực then chốt tạo sức bật trong phát triển

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dự tọa đàm Hội nhập quốc tế và cơ hội cho thanh niên Việt Nam, ngày 28/12/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong bối cảnh hiện nay, quá trình số hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với kinh tế số, nền sản xuất thông minh, xã hội số, các hình thái mới về tiêu dùng, lối sống; xu thế cải cách, đổi mới tư duy, quản trị quốc gia, doanh nghiệp… gắn với phát triển bền vững và công nghệ số.

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế, tầng lớp thanh niên chính là đối tượng đang và sẽ hưởng thụ những cơ hội, lợi ích ngay khi các xu thế mới, những dịch chuyển lớn trên toàn cầu diễn ra.

Kỷ nguyên của tuổi trẻ

Theo Báo cáo nghiên cứu Thế hệ trẻ do Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi xướng (năm 2020), 86% số người được hỏi lạc quan rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển tốt hơn, trong đó 75% tin rằng cơ hội việc làm cho người trẻ đang được cải thiện trong năm năm trở lại đây, 75% đồng ý rằng chất lượng giáo dục Việt Nam đang được cải thiện.

Báo cáo cho thấy suy nghĩ và quan niệm của giới trẻ ngày nay nhìn chung là lạc quan và tin tưởng vào triển vọng Việt Nam khi mở rộng hợp tác quốc tế và không ngừng hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, với khoảng 22,1 triệu thanh niên trong và ngoài nước. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam có lực lượng thanh niên đông đảo như hiện nay. Nếu coi đây là thời điểm của kỷ nguyên số thì cũng có thể gọi là kỷ nguyên của tuổi trẻ ở Việt Nam. Lực lượng thanh niên tiếp tục trở thành động lực, nhân tố then chốt trong phát triển đất nước. Đồng thời, đây cũng là nhóm đi đầu trong việc hình thành tư duy công dân toàn cầu, thúc đẩy cách tiếp cận mới trong mọi lĩnh vực, hình thành văn hóa hội nhập của đất nước.

Năm 2023, ngành đối ngoại Việt Nam với nhiều dấu mốc đáng nhớ khi đã mở ra chương mới trong quan hệ với các nước trên thế giới.

Tận dụng được xu thế hội nhập này, thanh niên có rất nhiều cơ hội để lập thân, lập nghiệp phát huy các năng lực của bản thân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Hành trang luôn sẵn sàng

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong hội nhập quốc tế, ngoài những điều kiện khách quan còn phải có những yếu tố phát triển tự thân mà mỗi thanh niên cần phải luôn ý thức trau dồi và phát huy, trong đó những cán bộ trẻ ngành ngoại giao không phải là ngoại lệ.

Thứ nhất, ngoại ngữ trở thành chìa khóa để hội nhập. Đây là một trong những nhân tố có vai trò quyết định trong việc hội nhập vào sân chơi chung của thế giới. Ngoại ngữ sẽ là lợi thế rất lớn giúp thế hệ trẻ nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp trong quá trình hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, tin học kết hợp cùng ngoại ngữ sẽ trở thành vũ khí sắc bén cho thanh niên tiếp cận được nhiều hơn với các nguồn thông tin đồ sộ trên Internet.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn. Trong quá trình hội nhập, người trẻ cần nắm vững, chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, để dùng năng lực lực, kiến thức chuyên mông của mình đóng góp cho xã hội. Đây được coi là điều kiện cơ bản để thanh niên nói chung và cán bộ ngoại giao trẻ nói riêng hội nhập thế giới với tính kỷ luật và cường độ lao động cao.

Thứ ba, am hiểu văn hóa dân tộc để hội nhập nhưng không hòa tan. Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc làm nên cốt lõi vững chắc giúp cho nền văn hóa luôn giữ được tính duy nhất, tính nhất quán trong quá trình phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp chúng ta dễ dàng cập nhật các xu hướng văn hóa toàn cầu đồng thời dễ dàng quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận dễ dàng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng trên không gian mạng, các thế lực thù địch có thể lợi dụng truyền bá các thông tin sai lệch, vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục Việt Nam, hoặc sùng bái văn hóa nước ngoài mà quên đi văn hóa truyền thống… Vì vậy, trong quá trình hội nhập, thanh niên, đặc biệt là cán bộ ngoại giao trẻ phải chủ động lựa chọn, tiếp thu và phát huy những mặt tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi những văn hóa tiêu cực.

Thứ tư, cần rèn luyện bản lĩnh vững vàng. Thanh niên là lực lượng lớn, ưu tú, tràn đầy tiềm năng trong xã hội. Cán bộ ngoại giao trẻ là lực lượng xung kích đi đầu trong đội quân tiên phong của “binh chủng ngoại giao”. Hơn ai hết, đây chính là lực lượng tạo nên sức bật mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế thành công. Cùng với các yếu tố tự thân khác, rèn luyện bản lĩnh vững vàng giúp các bạn trẻ kiên định trước thế giới đã, đang và sẽ vô cùng phức tạp. Muốn vậy, các bạn trẻ cần hết sức tỉnh táo để phân biệt được cái đúng, cái sai, cái thật, cái ảo, trau dồi cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn và tiến bộ. Điều này đặc biệt cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Thứ năm, tăng cường kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc theo nhóm. Mặc dù, thanh niên Việt Nam có trình độ văn hóa, chuyên môn, ý chí và nghị lực không thua kém thanh niên các nước, nhưng còn đâu đó vẫn chưa phát huy được tính kỷ luật trong lao động, kỹ năng làm việc nhóm, tham gia vào các hoạt động quốc tế. Trên “đấu trường” quốc tế, chúng ta cần loại bỏ tâm lý e ngại, tự ti.

Thứ sáu, phát huy tinh thần sẻ chia với cộng đồng. “Một cánh én không làm nên mùa Xuân”, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, chúng ta không thể sống đơn lẻ mà cần phải có sự sẻ chia một cách sâu rộng với cộng đồng, bạn bè quốc tế.

Với vị thế, tiềm lực của đất nước như hiện nay, thế hệ trẻ của Việt Nam nói chung và của ngành ngoại giao nói riêng cần tiếp tục rèn luyện để đi những bước vững chắc, góp phần đưa hình ảnh đất nước ngày càng nâng cao trên bản đồ quốc tế.

TS. NGUYỄN ĐỒNG ANH