Cần thúc đẩy nhịp sống kinh tế sôi động cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo

Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có buổi chia sẻ với phóng viên Báo Công thương về phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng như vai trò, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tại địa bàn đặc thù này trong bối cảnh hội nhập của đất nước.

Kinh tế miền núi và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng phát triển, nâng cao

Phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho phát triển kinh tế tại các địa bàn này của Đảng, Nhà nước?

Trên thực tế, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là vùng hết sức đặc thù, nếu khai thác được, phục vụ cho kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội là thành công lớn, bởi không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn tác động đến nhiều mặt trong đời sống nơi đây. Như chúng ta biết, các quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam đều có những chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn là khẳng định chủ quyền quốc gia.

Với ý nghĩa đó, Việt Nam luôn có chương trình, chính sách ưu tiên hàng đầu cho các miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo phát triển kinh tế; có cơ chế, chính sách thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng sản phẩm, xúc tiến thương mại của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai luôn trên tinh thần ưu tiên, miễn phí cho doanh nghiệp tại các địa bàn này. Điều này cho thấy, mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo luôn có sự hỗ trợ, quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước so với các doanh nghiệp vùng miền khác.

Tiến sĩ Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Đến nay, lực lượng doanh nghiệp tại nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn cho kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn nên gặp không ít khó khăn. Vậy, các chính sách hỗ trợ cần được cải thiện ra sao để phát huy các nguồn lực của doanh nghiệp nơi đây, thưa ông?

Miền núi, hải đảo, nhất là ở những vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống thường có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, kết cấu hạ tầng kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thường xuyên bị thiên tai, gây hậu quả nghiêm trọng. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số còn có khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung cả nước.

Vì vậy, đánh giá về vai trò của doanh nghiệp tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là hết sức to lớn. Trước hết, doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, doanh nghiệp không chỉ duy trì dòng chảy sản xuất mà còn lưu thông hàng hóa giúp người dân, đồng bảo dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ văn minh, hiện đại, chất lượng, nâng cao cơ hội thụ hưởng các điều kiện của cuộc sống.

Nhưng trên thực tế, kinh doanh vốn là con đường không hề đơn giản, bằng phẳng đối với bất cứ doanh nghiệp vùng miền nào, nhất là với các doanh nghiệp miền núi, vùng sâu, vùng xa hải đảo thì lại còn là thách thức rất lớn. Thực tế, tại các địa bàn này, nói đến đi du lịch còn khó chứ chưa kể tới kinh doanh do cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, thị trường, sức mua hạn chế.

Từ khó khăn đó, chúng ta cũng nhận rõ rằng, để doanh nghiệp trên các địa bàn này hoạt động hiệu quả, nhà nước cần có quy hoạch về phát triển sản xuất, kinh tế phù hợp. Theo đó, cần dựa trên lợi thế, tiềm năng, thế mạnh để đưa ra được định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng được những sản phẩm mang tính bản sắc; từ đó hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được thị trường đón nhận và có khả năng cạnh tranh cũng như xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ cần tạo được những đột phá trong phát triển kinh tế, làm sao tạo được một nhịp sống kinh tế sôi động, phát triển mạnh mẽ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo qua đó là vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sau với kinh tế toàn cầu, nhất là việc Việt Nam đã tham gia nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhà nước cần sớm có những chương trình tuyên truyền, phổ biến các cơ hội, thách thức đến với các doanh nghiệp tại các địa bàn đặc thù này. Qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp nơi đây sớm nhận diện và nắm bắt cơ hội kinh doanh, đặc biệt là biết cách để bước vào thị trường hiện đại, rộng lớn và đầy cạnh tranh.

Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đúng hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, nuôi trồng được những sản phẩm chất lượng, có khẳ năng cạnh tranh trên thị trường

Ngoài những khó khăn, thì miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo cũng chính là vùng đất tiềm năng để cho doanh nghiệp khai thác, phát triển. Với lợi thế đó, hiện đang xuất hiện xu hướng nhiều cá nhân, doanh nghiệp về vùng khó để đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh. Ông có đánh giá nào về xu thế này?

Nhiều cá nhân quyết định rời phố về đầu tư, khởi nghiệp tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo theo tôi là rất tích cực và có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa bàn này. Bởi các cá nhân, doanh nghiệp quyết định đầu tư, khởi nghiệp tại các vùng đất khó thì bản thân họ luôn có những chiến lược kinh doanh được xây dựng thấu đáo; đồng thời họ có trong tay nguồn lực về tài chính, trình độ khoa học, công nghệ để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Tuy vậy, để ngày càng thu hút nhiều hơn các cá nhân, doanh nghiệp từ các trung tâm kinh tế về miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đầu tư, kinh doanh Chính phủ cũng như chính quyền địa phương cần có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ họ hoạt động, phát triển. Trong đó, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, thì có 3 điều mà họ cần nhất chính là môi trường kinh doanh thông thoáng, thủ tục hành chính phải gọn nhẹ, ít sách nhiễu, phiền hà; khả năng tiếp cận vốn thuận lợi và chính sách thuế phù hợp. Thông qua đó sẽ tạo được thêm nguồn lực phát triển bền vững trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số và để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời vừa bảo đảm an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh