Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Tiếp tục lạnh nhạt và lời lẽ gai góc, bao giờ mới có thể làm 'tan băng'?

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman. (Nguồn: TXH)

Ngày 26/7, trên trang The Sydney Morning Herald của Australia, hai tác giả Michael Smith và Matthew Cranston có bài viết nhận định trước thềm cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với người đồng cấp Trung Quốc Tạ Phong tại Thiên Tân.

Theo bài báo, nhà ngoại giao Mỹ đến Trung Quốc với hy vọng giảm bớt căng thẳng đang ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, các dấu hiệu trước chuyến thăm đã cho thấy những khó khăn trong chuyến công du này của bà Sherman.

Căng như dây đàn

Chuyến đi của bà Sherman là cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Anchorage, Alaska, Mỹ vào tháng 3/2021.

Tác giả bài báo cho rằng, ngay cả trước khi đặt chân đến Thiên Tân, nơi diễn ra cuộc gặp với giới chức Trung Quốc, bà Sherman đã bị người Trung Quốc “hắt hủi”.

Nhà ngoại giao Mỹ vốn hy vọng có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, nhưng được thông báo rằng cuộc hội đàm sẽ diễn ra với Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và chỉ có cuộc “gặp mặt” thay vì hội đàm chính thức với Bộ trưởng Vương Nghị.

Và cũng không có gì ngạc nhiên khi chuyến thăm của nhà ngoại giao Mỹ tới Trung Quốc nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt.

Trước đó, Washington đã trừng phạt 7 quan chức Bắc Kinh liên quan vấn đề Hong Kong (Trung Quốc). Đáp lại, quốc gia châu Á cũng áp lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng đối với 7 quan chức Mỹ, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền của cựu Tổng thống Trump, ông Wilbur Ross.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Australia, cáo buộc Trung Quốc vào đầu tháng này đã tham gia vào "các hoạt động mạng độc hại" và đứng sau vụ tấn công mạng toàn cầu vào máy chủ của Microsoft được phát hiện vào hồi tháng 1/2021.

Tất nhiên, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc từ Mỹ và các đồng minh, gọi đây là những bịa đặt.

Những diễn biến trên là bối cảnh không có lợi cho nỗ lực ổn định mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhằm đảm bảo mối quan hệ "lành mạnh và có trách nhiệm”, để cạnh tranh giữa hai bên không biến thành xung đột.

Trước đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chuyến thăm của bà Sherman nhằm cho Trung Quốc thấy thế nào là sự cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm.

Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng tuyên bố của Mỹ là kiêu ngạo và “cửa trên”.

Trước thềm chuyến công du của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, hôm 24/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Pakistan Shah Mahmood Qureshi tại Thành Đô: “Mỹ luôn muốn gây áp lực lên nước khác vì cho rằng họ mạnh, vượt trội so với các nước…

Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ với phía Mỹ rằng, không có nước nào trên thế giới này ưu việt hơn nước khác và Trung Quốc cũng sẽ không chấp nhận bất cứ quốc gia nào tự cho mình hơn người".

Với những căng thẳng giữa hai bên, người ta không kỳ vọng nhiều về kết quả của cuộc gặp.

Điều tốt nhất mà người Mỹ có thể hy vọng là cuộc gặp thúc đẩy hai bên tiến tới một cuộc họp thượng đỉnh được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 dự kiến diễn ra tại Italy vào tháng 10 tới.

Dù vậy, có rất ít khả năng tan băng mối quan hệ ngày càng thù địch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, chính quyền của ông Biden đang tìm cách thiết lập lại các liên minh truyền thống và tranh thủ họ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc cũng như lên án và trừng phạt quốc gia châu Á.

Rõ ràng, sẽ là tốt hơn cho cả hai quốc gia và phần còn lại của thế giới khi họ cùng tìm được tiếng nói chung về loạt vấn đề và tìm ra cách giảm căng thẳng.

Chiều 26/7, trong thông báo về nội dung cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, nước này hối thúc Washington thay đổi quan điểm và chính sách với Bắc Kinh, đồng thời mô tả các mối quan hệ với Mỹ đang "bế tắc" và đối mặt với "những khó khăn nghiêm trọng". Ông Tạ Phong cho biết, Bắc Kinh đã đưa hai danh sách cho phía Washington gồm những hành động Mỹ cần chấm dứt và các vụ việc mà Trung Quốc quan ngại. Theo danh sách những hành động Mỹ cần chấm dứt, Bắc Kinh yêu cầu Washington dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với các đảng viên Đảng Cộng sản cùng gia đình và sinh viên Trung Quốc; dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ và các cơ quan của Trung Quốc. Trong khi đó, danh sách các vụ việc mà Bắc Kinh quan ngại đề cập loạt vấn đề như đối xử bất công với công dân Trung Quốc, quấy rối đại sứ quán và lãnh sự quán nước này tại Mỹ...

Còn nhiều chông gai

Căng thẳng thương mại giữa hai nước do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018 đã dẫn đến việc Washington áp đặt thuế quan đối với 360 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng những lệnh áp thuế tương tự.

Một thỏa thuận “đình chiến” căng thẳng thương mại đã được đưa ra vào đầu năm ngoái, còn gọi là “thỏa thuận thương mại giai đoạn 1” với việc Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm, tính đến cuối tháng 12 năm nay (so với mức năm 2017).

Tuy nhiên, cho đến nay, thỏa thuận này chưa hoàn thành 60% các mục tiêu đề ra.

Hiện, chính quyền ông Biden đã giữ nguyên các mức thuế nhưng đang xem xét lại chúng trong kế hoạch đánh giá tổng thể mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh.

Ngay cả khi thương mại hai chiều giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch Covid-19, thâm hụt thương mại của Mỹ - nguyên nhân khiến ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại - vẫn không được thu hẹp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ sự dè dặt về thuế quan và các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, cho rằng thuế quan thực sự đã đánh vào các công ty và người tiêu dùng của Mỹ, gây tổn hại cho Mỹ nhiều hơn Trung Quốc trong khi “thỏa thuận đình chiến” vẫn chưa thực hiện được những gì đã cam kết.

Có vẻ như các quan chức kinh tế và thương mại Mỹ coi thuế quan như một công cụ đàm phán có thể được sử dụng như đòn bẩy trong một cuộc đối thoại phức tạp hơn với Trung Quốc về các điều khoản thương mại giữa hai nền kinh tế - điều mà người Mỹ có thể mô tả là một cuộc chơi bình đẳng hơn.

Liệu hai bên có bao giờ tổ chức được cuộc đối thoại đó hay không là một câu hỏi mở vào thời điểm này, đặc biệt với những lời lẽ “gai góc” của hai bên trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của bà Sherman.

Trên thực tế, những bất đồng về các vấn đề thương mại, an ninh và nhân quyền không thể dễ dàng được gỡ rối ngay cả khi cả hai bên đều thực sự muốn làm điều đó.

(theo The Sydney Morning Herald)